Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021.
(Ảnh: Thu Tâm)
Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh vừa ra thông báo về việc tuyển sinh vào lớp 10 tích hợp năm học 2021-2022.
Theo đó, Học sinh sẽ dự thi môn tích hợp vào chiều 3-6-2021, thời gian làm bài 150 phút. Đối tượng tham gia dự tuyển là học sinh tốt nghiệp THCS tại TP trong độ tuổi quy định và phải đạt 1 trong 2 điều kiện sau:
Học sinh có tham gia chương trình tiếng Anh tích hợp cấp THCS tại TP Hồ Chí Minh, tham gia tuyển sinh lớp 10 THPT tại TP Hồ Chí Minh, có đăng ký 2 nguyện vọng chương trình tiếng Anh tích hợp.
Học sinh không tham gia học chương trình tiếng Anh tích hợp cấp THCS tại TP Hồ Chí Minh nhưng tốt nghiệp THCS loại khá trở lên, có tham gia tuyển sinh lớp 10 THPT tại TP Hồ Chí Minh, ngoài 3 môn quy định bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ có đăng ký và dự thi môn tiếng Anh tích hợp. Học sinh được đăng ký 2 nguyện vọng chương trình tiếng Anh tích hợp.
Hồ sơ tham gia dự tuyển gồm mẫu phiếu đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 THPT bình thường, có đánh dấu vào ô tích hợp và thực hiện đăng ký theo nhóm tích hợp bằng phiếu đăng ký riêng.
Nguyên tắc xét tuyển là chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm quy chế trong kỳ thi tuyển sinh và không có bài thi nào bị điểm 0. Căn cứ quy định điểm xét tuyển, thí sinh sẽ được xét từ cao xuống thấp cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu.
Tổng số có 13 trường THPT tuyển sinh lớp 10 tích hợp gồm: THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Lương Thế Vinh, THPT Bùi Thị Xuân, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Gia Định, THPT Võ Thị Sáu, THPT Trần Hưng Đạo, THPT Phú Nhuận, THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Nguyễn Hữu Huân, THPT Thủ Đức và THPT Nguyễn Hữu Cầu.
Cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh về trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 23, HĐND TP khóa IX, trong đó có vấn đề dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP.
Theo Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, sở luôn quan tâm xem xét giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Ngoài ra, sở đã tham mưu UBND TP về tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn. Qua đó đã chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường công tác phối hợp nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý, thường xuyên thanh tra kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong đó có hoạt động dạy thêm, học thêm.
Được biết, trong năm 2020, toàn TP đưa vào sử dụng 90 dự án với 1.371 phòng học với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ./.