Theo đó, Sở Y tế Thành phố đang xây dựng lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến trên địa bàn, trả lại trường học, ký túc xá, nhà tái định cư do tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, phục hồi công năng các bệnh viện trở về trạng thái "bình thường mới" với mục đích đảm bảo cho các bệnh viện thực hiện 2 chức năng vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường và điều trị chuyên khoa cho người dân Thành phố và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam.
Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện quận 7. (Nguồn ảnh: SGGP)
Tính từ đầu tháng 7/2021 đến nay, Thành phố đã lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường bệnh nhằm thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Hiện 16 bệnh viện dã chiến vẫn đang tiếp tục điều trị cho khoảng 9.443 F0. Do các bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, các ký túc xá của trường đại học, cao đẳng nên không thể sử dụng lâu dài. Hiện tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, để chuẩn bị cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng bắt đầu trở lại học tập cũng như đưa những khu nhà tái định cư phục vụ người dân, ngành y tế Thành phố đã xây dựng lộ trình ngừng hoạt động đối với các bệnh viện dã chiến thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ.
Dự kiến các bệnh viện dã chiến thành phố sẽ lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2021. Riêng các Bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ là những bệnh viện ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12/2021 bởi đây là những bệnh viện đã được đầu tư hệ thống oxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 nặng, tiếp tục hoạt động để các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động theo lộ trình. Ngoài ra, Bệnh viện dã chiến số 5 cũng trong danh sách bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động sau cùng do yêu cầu hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm Thành phố (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình).
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu, các bệnh viện dù phục hồi về công năng ban đầu nhưng phải ở trong trạng thái bình thường mới. Đó là đảm bảo tuân thủ quy định sàng lọc, phân luồng và cách ly người nghi ngờ mắc COVID-19, có kế hoạch chủ động phối hợp các bệnh viện điều trị COVID-19 để chuyển bệnh an toàn. Bên cạnh đó, các bệnh viện phải hình thành khoa, đơn vị điều trị COVID-19 để sẵn sàng cách ly, điều trị người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, các bệnh viện cũng phải duy trì buồng cấp cứu sàng lọc tại Khoa Cấp cứu đảm bảo cấp cứu người bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc COVID-19; duy trì các buồng cách ly tại mỗi khoa lâm sàng để sẵn sàng cách ly người bệnh chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2./.