Về công tác phối hợp, UBND TP Hồ Chí Minh (cơ quan đầu mối) chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện các nội dung liên quan dự án. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Theo đó, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là một trong những dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022 với yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác toàn bộ dự án năm 2026. Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu việc triển khai dự án Vành đai 3 đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tính cấp bách của dự án; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án với quyết tâm chính trị cao nhất. Cùng với đó, coi trọng sự đồng thuận xã hội và lợi ích của người dân trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án…

Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị có liên quan như: Ban cán sự Đảng UBND Thành phố, lãnh đạo UBND Thành phố, Ban Dân vận Thành ủy… triển khai kịp thời, nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15-8-2022 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 57/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, liên thông trong việc xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện dự án và Kế hoạch chi tiết triển khai các dự án thành phần trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp các địa phương có tuyến đường đi qua./..

 

 

V.Lê