Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC cho biết chữ ký số có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu

(Ảnh: Nguyên Vũ)


Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC),  Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện 100% doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số trong các lĩnh vực: kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… nhưng tỷ lệ người dân sử dụng chữ ký số còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân chính là do người dân chưa được tiếp cận và hiểu hết được lợi ích, cách thức sử dụng chữ ký số hoặc biết nhưng vẫn còn e ngại khi sử dụng..

Tính đến tháng 9/2022, cả nước có gần 1,9 triệu chứng thư số đang hoạt động, trong đó có gần 1,6 triệu chứng thư số của doanh nghiệp, tổ chức và hơn 330.000 chứng thư số cá nhân.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, Sở TT&TT đang phối hợp NEAC triển khai giải pháp tích hợp chữ ký số từ xa trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM. Theo đó, trong tuần đầu của tháng 12/2022, tính năng này sẽ chính thức vận hành.

Khi sử dụng chữ ký số, người dân có thể ký trực tiếp vào các biểu mẫu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố. Cùng với việc thanh toán điện tử, việc áp dụng chữ ký số sẽ giúp người dân thuận tiện khi thực hiện dịch vụ công mức độ 4.

Việc ứng dụng chữ ký số trong quá trình chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Do đó, TP sẽ tăng cường đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, đặc biệt là công tác số hóa để hình thành Kho dữ liệu dùng chung phục vụ tác nghiệp, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có thể đăng ký trực tuyến chữ ký số tại website của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA công cộng). Hiện nay có 6 CA công cộng được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký từ xa, gồm: VNPT-CA, MISA-CA, FPT-CA, BKAV-CA, VIETTEL-CA và TRUST-CA. Các CA công cộng nêu trên miễn phí khi sử dụng chữ ký số cá nhân làm dịch vụ công trực tuyến./.

Hương Ly (t/h)