Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tặng hoa cho nhà đầu tư.

Ngày 27/6, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Phan Văn Mãi – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị nhằm quảng bá và mời gọi đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đến tổ chức quốc tế thuộc địa bàn ưu tiên thu hút đầu tư của Khu Công nghệ cao (Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, Châu Âu). Công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư: Trung tâm Logistic Khu Công nghệ cao, Khu Dịch vụ Công nghệ cao, Nhà xưởng thông minh .... Hướng dẫn quy trình đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu công nghệ cao…

Tại hội nghị, đại diện Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thông tin: Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh được thành lập năm 2002, cách đây đúng 20 năm với sứ mạng là xây dựng nền móng công nghiệp công nghệ cao cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung và tầm nhìn trở thành tiểu Khu đô thị khoa học và công nghệ.

Đến nay, Khu Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỷ USD (trong đó: nước ngoài (FDI): 10,107 tỷ USD, trong nước: 1,961 tỷ USD). Đặc biệt,  có nhiều dự án của các tập đoàn, công ty công nghệ cao, như: Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)… Các doanh nghiệp không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất tại Khu Công nghệ cao, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.

Lũy kế tổng giá trị sản xuất công nghệ cao của Khu Công nghệ cao ước đạt 120,307 tỷ  USD, giá trị xuất khẩu đạt 112,024 tỷ USD, và giá trị nhập khẩu đạt 105,299 tỷ USD (xuất siêu: 6,725 tỷ USD). Lũy kế tổng thu ngân sách ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng nhanh trong những năm gần đây do một số dự án đầu tư đã hết thời gian được hưởng ưu đãi.

Đặc biệt, việc chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao không ngừng được nâng cao, đạt 117,92 triệu USD năm 2021. Bước đầu hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao như Nanogen, USM Healthcare, BSB...  Năng suất lao động tại Khu Công nghệ cao ước đạt 16,6 lần của cả nước.  Hiện nay, Khu Công nghệ cao TP hình thành các hệ sinh thái ngành mạnh trong các lĩnh vực Điện tử - công nghệ thông tin, công nghệ sinh học - dược phẩm, cơ khí chính xác và tự động hóa và công nghệ vật liệu mới.

leftcenterrightdel
Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, đến thời điểm này, Khu Khu Công nghệ cao đã phát triển 20 năm, có nhiều nhà đầu tư thành công theo đúng định hướng phát triển công nghệ cao để dẫn dắt kinh tế TP và đất nước. Đây giai đoạn đầu định hình để nhìn lại cái được, chưa được. Sau giai đoạn này sẽ định hình xu thế phát triển của thế giới để đưa ra định hướng phát triển không chỉ cho Khu Công nghệ cao mà còn cho cả TP Hồ Chí Minh gắn với phát triển kinh tế của đất nước thời gian tới.

Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TP mong muốn lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư; trong đó, nêu ra đề xuất với TP Hồ Chí Minh và Chính phủ, để sẵn sàng những khung pháp lý, định hướng, điều kiện để doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. Đồng thời cho biết sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn nhằm sớm triển khai các dự án.

Cùng quan điểm trên, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi - cho biết: Ban quản lý Khu công nghệ cao sẽ là đầu mối tiếp nhận và có cơ chế phối hợp với TP Thủ Đức (thuộc quy hoạch 1/500) để giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh hơn. Đặc biệt Ban quản lý khu Khu công nghệ cao sẽ đẩy mạnh một cửa liên thông với TP Thủ Đức.

Đồng thời cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục hành chính tại Khu Công nghệ cao; Áp dụng các mức ưu đãi tối đa về thuế và phí; tiền sử dụng đất; cung cấp công khai minh, minh bạch các thông tin đất đai, quy hoạch, kế hoạch; hỗ trợ tuyển dụng đào tạo lao động…..

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Trưởng ban Khu Công nghệ cao Lê Bích Loan công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư gồm: Trung tâm Logistic Khu Công nghệ cao, Khu Dịch vụ Công nghệ cao, Nhà xưởng thông minh cho thuê phục vụ các ngành công nghệ 4.0; Khu R&D - Ươm tạo- Đào tạo, Khu Sản xuất Công nghệ cao; Hướng dẫn quy trình đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu CNC. Đồng thời đưa ra các tiêu chí lựa chọn và chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, quy trình, thủ tục… 

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Mặt khác, trong năm 2022 Khu Công nghệ cao cần tập trung thu hút các dự án theo danh mục kêu gọi đầu tư và thu hút thành công dự án trung tâm logistics Khu Công nghệ cao, với chức năng ga hàng không nối dài nhằm góp phần tiết giảm chi phí logistics của doanh nghiệp, qua đó tăng cường lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư của Khu Công nghệ cao nói riêng và TP nói chung trong thời gian tới.

Song song đó, với yêu cầu phát triển Đất nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, trong thời gian đến hoạt động thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao cần phải đảm bảo tính chủ động, có định hướng, chọn lọc, hướng đến thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, gắn với khai thác thế mạnh của các hệ sinh thái ngành đã hình thành tại Khu Công nghệ cao.  Hoạt động thu hút đầu tư của Khu Công nghệ cao cần đảm bảo tính công khai, minh bạch và cạnh tranh; đảm bảo sự tiếp cận công bằng của các nhà đầu tư nhằm chọn lựa được những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để triển khai các dự án nhanh và hiệu quả, góp phần vào phát triển nhanh và bền vững TP. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện cơ chế một cửa liên thông để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao./.  

Chi Mai