Anh Nguyễn Văn Trọn (bên trái) cùng đồng nghiệp kiểm tra hộp bảo vệ điện kế có gắn kính cường lực. (Ảnh: Lê Tuyết)

Sở hữu 7 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tế sản xuất trong giai đoạn 2013 - 2019, mang lại lợi ích kinh tế hàng trăm triệu đồng, anh Nguyễn Văn Trọn, công nhân Tổ treo tháo 2 (Đội Quản lý thiết bị đo đếm) là một trong những gương lao động giỏi, lao động sáng tạo tiêu biểu của Công ty Điện lực Bình Phú (Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh).

Tiêu biểu như sáng kiến “Cải tiến hộp bảo vệ điện kế có gắn kính cường lực cho điện kế gắn ngoài nhà khách hàng”; “Dùng nước để xử lý ống luồn cáp ngầm hạ thế bị nghẽn khi thi công gắn điện kế cho khách hàng”; “Cải tiến vị trí điểm ngừng dây trong công tác thi công nhánh dây mắc điện”;… được công nhận và áp dụng trong toàn Tổng Công ty.

Với những thành tích đó, anh Trọn đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng như Bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Chia sẻ về động lực để liên tục cho ra đời những sáng kiến cải tiến đáp ứng yêu cầu công việc, anh Trọn thật thà: “Thấy lãng phí là tôi tiếc, khó chịu trong lòng. Thấy việc không trôi chảy, nghe anh em than khó là tôi suy nghĩ dữ lắm. Suy nghĩ tìm cách khắc phục, thế là có sáng kiến. Sáng kiến của tôi bình thường, gần gũi, đơn giản chứ không có gì cao siêu, phức tạp”.

Theo anh Trọn, chính lợi thế là công nhân làm việc trực tiếp tại hiện trường nên anh có điều kiện lắng nghe anh em, lắng nghe bà con và lắng nghe chính bản thân mình để tìm thấy chỗ nào cần cải tiến để công việc tốt hơn. Anh bộc bạch: “Có những sáng kiến vừa nghĩ đã thấy thành công ngay nhưng cũng có những trường hợp chưa ổn, tốn kém, bù lại về lâu dài mang lại hiệu quả lớn. Và quan trọng nhất là lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Tổng Công ty luôn ủng hộ, hỗ trợ anh em từ vật chất lẫn tinh thần, đó là động lực để chúng tôi cố gắng hơn, nỗ lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Điện”.

Là thế hệ thợ điện trưởng thành sau này, anh Nguyễn Văn Trọn chia sẻ, những thành quả anh đạt được hôm nay có phần công sức rất lớn của thế hệ đàn anh đi trước, những đồng nghiệp cùng đơn vị.

“Mình là công nhân trực tiếp sản xuất, thấy vấn đề gì cần cải tiến để giúp đơn vị tiết kiệm chi phí thì mình làm. Tôi nghĩ, tiết kiệm cho công ty cũng là tiết kiệm cho chính mình. Tôi luôn động viên anh em, thấy vấn đề chỗ nào, cứ mạnh dạn kiến nghị, mình làm không xong, sẽ có anh em đồng nghiệp, đội ngũ kỹ sư của đơn vị hỗ trợ. Bản thân tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều anh chị đi trước thì mình cũng nên có trách nhiệm với những người đi sau. Bởi trong ngành Điện, khi một người làm việc an toàn thì những người khác cũng an toàn, nhiều người cùng giỏi việc, công việc sẽ trôi chảy, thuận lợi hơn”, anh Trọn bộc bạch.

Chia sẻ về những sáng kiến đã và đang triển khai áp dụng, anh Trọn cho biết, anh nhớ nhất là giải pháp “Cải tiến hộp bảo vệ điện kế có gắn kính cường lực cho điện kế gắn ngoài nhà khách hàng”.

Anh cho biết, năm 2015, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh chủ trương dời điện kế trong nhà dân ra bên ngoài để dễ quản lý, tránh phiền hà khách hàng mỗi khi nhân viên đến đọc và ghi chỉ số điện kế.

Là công nhân làm việc trực tiếp tại hiện trường, anh Trọn nhận thấy các hộp bảo vệ điện kế đang sử dụng có nhược điểm khá lớn. Đó là phần nhựa PC sau một thời gian chịu ảnh hưởng trực tiếp của ánh nắng mặt trời thường bị ố mờ, gây khó khăn cho công nhân trong việc đọc chỉ số điện, dẫn đến sai sót.

Những trường hợp hộp điện bị mờ, công ty lại phải cấp mới, dẫn đến tốn kém. Thêm vào đó khách hàng phản ánh, khiếu nại nhiều do nhân viên ghi điện không chính xác.

Trước thực trạng trên, anh Trọn đã có sáng kiến cải tiến hộp bảo vệ điện kế có nắp bằng nhựa PC thành hộp bảo vệ bằng nhựa có gắn mặt kính cường lực phía trước.

Với cách làm này, tuy chi phí ban đầu cao hơn nhưng sử dụng lâu dài, hiệu quả, kính không bị mờ theo thời gian. Không những vậy, cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cố định bằng 4 vít phía trong mặt sau của hộp bảo vệ.

Đặc biệt, sáng kiến đã tiết kiệm chi phí, nhân công khi thay vỏ hộp bị mờ, tạo thuận lợi cho nhân viên ghi chỉ số nhanh và chính xác hơn; tiết kiệm được nhân công đi phúc tra lại chỉ số ghi số điện không chính xác; tạo mỹ quan, giảm phiền hà cho khách hàng trong việc ghi sai chỉ số.

Ngoài ra anh còn nhiều sáng kiến hữu ích như: “Tạo tiếp xúc tốt hơn tại port đấu dây điện kế” đã tiết kiệm được 85 triệu đồng; “Sử dụng khung bảo vệ bằng kim loại để cải tiến thùng đựng TU-TI trung thế” tiết kiệm được 80 triệu đồng; “Thiết kế giàn khung sắt để bảo quản các đoạn cáp ngầm lẻ tại Kho Công ty Điện lực Bình Phú” tiết kiệm được 55 triệu đồng …

Với vai trò là an toàn viên, vệ sinh viên của Tổ, anh luôn cố gắng hoàn thành tốt công tác được giao. Những hạng mục về biện pháp an toàn, bảo hiểm lao động được thực hiện hàng ngày của anh em công nhân trong tổ được anh quan tâm. Anh còn tổ chức tập huấn cho 15 anh em công nhân trong tổ về phương pháp cấp cứu người bị điện giật, hô hấp nhân tạo; thử dây da an toàn; phổ biến quy trình kỹ thuật an toàn điện và quy trình kinh doanh điện năng cho anh em công nhân trong tổ...

Với những kết quả đạt được, anh Nguyễn Văn Trọn đã được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liên tục (2012 – 2016), được tặng nhiều Bằng khen của các bộ, ngành, Tổng Công ty và vinh dự đón nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2017 do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh trao tặng. Đặc biệt, vừa qua anh còn vinh dự là 1 trong 700 điển hình được tôn vinh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018)./.

Hoàng Mẫn