Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh thăm, chúc mừng
cơ quan báo chí và họp mặt cộng tác viên tại Côn Đảo. (Ảnh: PV)

10 hoạt động nổi bật trong công tác Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 bao gồm: 

1. Nuôi dưỡng, gây dựng, phát huy đội ngũ cộng tác viên truyền thông, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của hệ thống Mặt trận Thành phố.

Sau 3 năm thành lập và hoạt động nhóm zalo “Thông tin Mặt trận Thành phố” có hơn 100 phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, Thành phố tham gia. Ngoài việc cung cấp thông tin lịch hoạt động, Mặt trận Thành phố còn làm cầu nối cho phóng viên với các chuyên gia nhà khoa học, giới thiệu các mô hình giải pháp hay tại cơ sở. Qua quá trình tương tác, kết nối, gắn kết; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã mời gọi những nhân tố tích cực tham gia vào đội ngũ cộng tác viên truyền thông với 97 thành viên, thuộc 04 nhóm: Phóng viên chuyên nghiệp; Cán bộ Mặt trận Thành phố; Cán bộ mặt trận quận, huyện và Cộng tác viên thường xuyên theo địa bàn dân cư. Cộng tác viên truyền thông hoạt động theo Quy chế.

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên truyền thông; tổ chức các hành trình về nguồn, giao lưu trao đổi kinh nghiệm; tổ chức họp mặt lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí và cộng tác viên, hệ thống mặt trận cơ sở; thông qua đó gắn kết phóng viên với hệ thống mặt trận cơ sở; hình thành những tuyến tin, bài gắn với thực tiễn trong cộng đồng dân cư. Cũng từ đó, Giải báo chí “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố - Vì hạnh phúc của Nhân dân” qua 2 lần tổ chức đã thu hút được đông đảo bài dự thi của đội ngũ phóng viên và cộng tác viên với các tác phẩm có chất lượng tốt, có tính định hướng dư luận xã hội, có sức lan tỏa sâu rộng để cổ vũ, phản ánh hiện thực cuộc sống cũng như tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

2. Quỹ An sinh xã hội - Giải pháp bổ trợ tích cực để chăm lo cho người yếu thế.

Kế thừa hiệu quả hoạt động của Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, Thành phố đã tổ chức ra mắt và đi vào hoạt động Quỹ An sinh xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó kêu gọi và kết nối các mạnh thường quân để chăm lo cho người yếu thế được nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch và cụ thể. Đây được xem là một điểm mới, nổi bật và phát huy tính hiệu quả, sáng tạo gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng internet, mạng xã hội trong triển khai các chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới

Dịp Tết Giáp Thìn 2024, Quỹ An sinh xã hội sẽ kêu gọi, vận động trên 3 tỷ 850 triệu đồng để thực hiện 8 chương trình hỗ trợ nhân dân, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn đón Tết gồm: Chương trình “Lãnh đạo thành phố vui Tết cùng Gia đình công nhân lao động” ; Chương trình “Chuyến xe mùa Xuân” ; Chương trình “Chăm sóc sức khỏe cho người yếu thế” ; Chương trình “Trao sinh kế - Trao yêu thương”  ; Chương trình “Đồng hành cùng nữ công nhân vượt cạn” ; Chương trình “Ngày hội Xuân yêu thương - đồng hành cùng thanh niên” ; Chương trình “Xuân yêu thương - Tết Nghĩa tình” ; Chương trình “Xuân yêu thương với thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn”

3. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh

Sau 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa bàn dân cư với nhiều hoạt động phong phú, thu hút được sự quan tâm của nhân dân, lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày hội đại đoàn kết cấp Thành phố với chuỗi hoạt động đặc sắc, phong phú: Họp mặt kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; khen thưởng, tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, gương người tốt việc tốt; Lễ ra mắt Quỹ An sinh xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; chương trình hỗ trợ cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; Lễ trao giải báo chí “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố - Vì hạnh phúc của Nhân dân” lần 2; tuyên dương mô hình tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong cộng đồng tôn giáo tại Thành phố. Ngày hội còn có nhiều hoạt động triển lãm, văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền… đã tạo nên không khí rộn ràng, vui tươi, đoàn kết, an toàn thu hút hơn 20 ngàn lượt người tham dự và thật sự là ngày hội của toàn dân.

4. Chương trình “Vì Trường Sa xanh”

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức phát động ủng hộ Chương trình “Vì Trường Sa xanh” giai đoạn 2023 - 2025 và phấn đấu vận động 76 tỷ đồng để cải tạo thổ nhưỡng, trồng rau xanh, các loại cây, đặc biệt là cây chắn sóng... tăng mật độ che phủ cây xanh trên các đảo, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, không gian xanh, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân yên tâm sinh sống, công tác, giữ vững chủ quyền biển, đảo. Đến nay đã có 48 đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp đăng ký ủng hộ; năm 2023 đã ủng hộ đợt 1 số tiền 20 tỷ đồng.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức 2 đoàn đại biểu thăm cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI; thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân và Nhân dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam với tổng kinh phí chăm lo là 33,937 tỷ đồng. 

5. Hành trình kết nối năm 2023

Hơn 100 đại biểu gồm các vị Nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu các dân tộc, chức sắc, chức việc các tôn giáo và cán bộ Mặt trận đã tham gia Hành trình kết nối tại các địa điểm lịch sử; thăm và trao đổi với các cơ sở tôn giáo; thăm các địa danh văn hóa tiêu biểu ở một số tỉnh; thành miền Bắc và tham dự buổi gặp mặt với Chủ tịch nước tại thủ đô Hà Nội.

Trong suốt hành trình, các đại biểu đã tham gia kết nối với nhau nhiều hơn nữa bằng những câu chuyện cả về chuyên môn lẫn đời thường, về những nét văn hóa đặc trưng riêng của từng tôn giáo, tổ chức; bồi đắp mối quan hệ mật thiết giữa lãnh đạo Thành phố với chức sắc, chức việc các tôn giáo. Để khi quay trở về, mỗi đại biểu có thể phát huy vai trò của mình nhiều hơn nữa trong tuyên truyền, vận động tín đồ, tín hữu, trong giới tin tưởng vào sự điều hành của lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Thành phố; cùng đoàn kết để xây dựng và phát triển Thành phố, đất nước. 

6. Hành trình báo công với Bác của những tấm gương thầm lặng mà cao cả

Chương trình tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của Thành phố (từ 2014 đến 2022) do Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể có tinh thần tự nguyện,hy sinh cống hiến thầm lặng, bằng những tấm lòng nhân ái vì Thành phố thân yêu. Qua 05 lần tổ chức, Thành phố đã xét chọn, tuyên dương 578 gương (130 tập thể, 448 cá nhân), đạt 46,3% trên tổng số gương được giới thiệu.

Năm 2023, gần 300 đại biểu là điển hình tiên tiến “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia hành trình báo công với Bác tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Nghệ An. Thông qua hành trình đã cổ vũ động viên các gương tiếp tục phát huy, lan tỏa tinh thần nhân ái, vì cộng đồng; cống hiến âm thầm cho xã hội những việc làm thiện nguyện, nghĩa tình, tỏa sáng ở tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh - hiện đại - nghĩa tình. 

7. Tuyên dương 53 mô hình, giải pháp tiêu biểu 03 năm liên tục (2019 - 2021)

Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã tuyên dương 53 mô hình, giải pháp tiêu biểu trong hơn 284 mô hình, giải pháp thực hiện phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận các cấp được công nhận đạt hiệu quả trên các lĩnh vực tính từ đầu nhiệm kỳ.

Các mô hình giải pháp tiêu biểu là biểu thị của sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống Mặt trận Thành phố. Đồng thời, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các cơ quan, đơn vị trong tổ chức các phong trào thi đua, có sức lan tỏa, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các cộng đồng dân tộc, các tổ chức tôn giáo để tăng cường khối đại đoàn kết; tạo sự đồng thuận của xã hội và cổ vũ, động viên Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc chủ trì, phát động. 

8. Tăng cường giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền, các cơ quan tham mưu giúp việc Cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội nghị nhân dân khi thực hiện chính quyền đô thị.

Thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tăng cường giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền đối với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, thực hiện công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh; giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức giám sát đối với Ban Tuyên giáo Quận ủy, Ủy ban kiểm tra Quận ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân như Phòng Y tế, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Phòng Quản lý Đô thị… trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương.

Hệ thống MTTQ quận, phường đã phối hợp tổ chức 2.067 hội nghị Hội nghị nhân dân định kỳ với 107.910 lượt người tham dự, có 9.705 lượt ý kiến, . Qua đó chính quyền các cấp ghi nhận, xem xét, giải đáp trực tiếp và có phương án giải quyết những ý kiến đóng góp của Nhân dân.

9. Công tác đối ngoại nhân dân tập trung đi vào chiều sâu, hiệu quả

Năm 2023, Chương trình “Gia đình Việt với Sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh” đã vận động 67 gia đình Việt Nam, 91 sinh viên Lào và 14 sinh viên Campuchia tham gia Chương trình (tăng 50% so với năm 2022). Mặt trận Thành phố đã mời 08 gia đình của sinh viên Lào, 05 gia đình của sinh viên Campuchia sang thăm gia đình nhận đỡ đầu sinh viên Lào, Campuchia tại Việt Nam. Đồng thời tổ chức các hoạt động gặp gỡ, giao lưu các gia đình; tham quan một số địa điểm lịch sử, văn hóa. Thông qua các hoạt động đã gắn kết không chỉ sinh viên mà còn giữa các phụ huynh Lào, Campuchia và Việt Nam với nhau. Đây chính là gốc của vấn đề bảo tồn, gìn giữ và xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa 3 quốc gia. 

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã tổ chức Đoàn đại biểu đi thăm, làm việc với Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Trong chuyến công tác đã tổ chức ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh và Chính hiệp Thành phố Thượng Hải, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân hai nước và nhân dân hai thành phố về quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; tăng cường kết nối, quảng bá, giao lưu văn hóa, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác Mặt trận, Hiệp thương chính trị; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp ở hai thành phố tăng cường hợp tác, tìm hiểu thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế của mỗi thành phố và kết nối kinh tế quốc tế.

10. Đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác Mặt trận

Trong năm 2023, cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã hoàn thành việc số hóa kho lưu trữ, theo đó, toàn bộ tài liệu kho lưu trữ từ năm 1993 đến năm 2022 được chuyển đổi sang file PDF. Đồng thời, triển khai đăng ký và sử dụng chữ ký số cho cán bộ công chức cơ quan. Đây là 2 bước quan trọng để cơ quan triển khai và đi vào sử dụng ứng dụng khai thác thông tin qua Hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung hiệu quả.

Toàn bộ dữ liệu lưu trữ của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố được lưu trữ trên máy chủ, được chuyển lên hệ thống lưu trữ dữ liệu tập trung, từ đó dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện trong việc quản lý, truy cập và sử dụng dữ liệu. Đồng thời, với việc đăng ký và sử dụng chữ ký số đã hỗ trợ lãnh đạo cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam Thành phố kịp thời xử lý văn bản được thực hiện theo tinh thần “Văn phòng không giấy”./.

CM