Ông Bùi Văn Mười ở ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố trong công tác phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là Hợp tác xã Liên minh Hợp tác xã Thành phố đã tích cực phối hợp với các sở ngành, đoàn thể và Ủy ban Nhân dân Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tập trung vận động, tuyên truyền về mô hình Hợp tác xã đến các hộ cá nhân có nhu cầu tổ chức, phát triển kinh tế theo mô hình Hợp tác xã. 

Thời gian qua, mô hình Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình. Nhiều Hợp tác xã nông nghiệp đã trở thành cầu nối hiệu quả trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chủ lực của Thành phố.…

Theo chỉ tiêu hàng năm, Liên minh Hợp tác xã Thành phố phối hợp với Hội Nông dân Thành phố, các Sở ngành vận động thành lập mới 20 Hợp tác xã nông nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, có 119 Hợp tác xã và 02 Liên hiệp Hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn với nhiều sản phẩm đa dạng. Số lượng Hợp tác xã nông nghiệp có những bước tổ chức lại nhanh chóng để thích nghi đã chủ động mở rộng hoặc liên kết với các Hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực khác, hình thành các Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ đa ngành, kinh doanh tổng hợp hoạt động cả trong lĩnh vực thương mại, vệ sinh môi trường, du lịch… Trong đó, tập trung vào hoạt động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đầu vào như: cây, con giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc thú y, thức ăn chăn nuôi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi trồng…, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hợp tác xã, thành viên, hộ gia đình.

Nhằm đưa kinh tế tập thể, Hợp tác xã thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước. Với nhiệm vụ được Ủy ban Nhân dân Thành phố giao, Liên minh Hợp tác xã Thành phố đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân Thành phố trong công tác hỗ trợ phát triển các Hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, nhằm giúp Tổ hợp tác, Hợp tác xã có điều kiện tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, Thành phố đã thành lập Quỹ hỗ trợ vốn xã viên Hợp tác xã trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Thành phố theo Quyết định số 2539/QĐ-UBND ngày 13/6/2002 hỗ trợ có hoàn lại vốn và thu một khoản phí; định hướng hoạt động của Quỹ hỗ trợ vốn xã viên Hợp tác xã là tiếp tục mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động, cải tiến quy trình, thủ tục trợ vốn, xây dựng Quy chế ưu đãi trợ vốn cho Hợp tác xã thuộc các lĩnh vực, ngành nghề cần khuyến khích phát triển, tăng nguồn vốn hoạt động, trợ vốn đa dạng nhiều ngành nghề, phát triển thêm nhiều loại hình trợ vốn, tăng mức trợ vốn đối với thành viên vay nhiều lần để giúp họ thoát nghèo bền vững.

Phát huy vai trò của Liên minh Hợp tác xã Thành phố trong việc kết nối, phối hợp Hội Nông dân Thành phố, chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp, các đối tác để hỗ trợ hợp tác xã trong quá trình đổi mới, củng cố phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả của các tổ chức đại diện hợp tác xã của một số nước trên thế giới.

Từ đó, Liên minh Hợp tác xã Thành phố đã luôn đồng hành cùng với Hội Nông dân Thành phố trong việc xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách tuyên truyền, chính sách hỗ trợ vốn cho các Hợp tác xã, đặc biệt là Hợp tác xã nông nghiệp nhằm đưa kinh tế tập thể thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp vào phát triển kinh tế của Thành phố. Đến thời điểm này, công tác phối hợp giữa Liên minh Hợp tác xã Thành phố và Hội Nông dân đã đạt được một số kết quả cụ thể:

Hai đơn vị đã tập trung phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nông dân, cán bộ thành viên Hợp tác xã, cán bộ công chức trong hệ thống chính trị ở các địa phương có sản xuất nông nghiệp về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước liên quan đến kinh tế hợp tác. Giới thiệu các mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua công tác tuyên truyền, vận động rộng rãi trong nông dân tham gia vào các loại hình kinh tế hợp tác, Hợp tác xã. Phối hợp tổ chức tuyên truyền về luật Hợp tác xã và các văn bản pháp luật có liên quan cho hộ nông dân với mục đích để nông dân hiểu được kinh tế hợp tác đang trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều quan trọng là phải làm cho từng hộ nông dân thấy rõ những ưu thế vượt trội của mô hình kinh tế này so với các mô hình kinh tế riêng lẻ.

Qua triển khai thực hiện công tác phối hợp hỗ trợ Hợp tác xã, nhận thức của hộ nông dân về vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác xã, về Hợp tác xã kiểu mới có bước chuyển biến tích cực.

Anh Phạm Thành Lộc bên thiết bị, công nghệ trồng rau khí canh trụ đứng.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố, Liên minh Hợp tác xã Thành phố, Hội Nông dân Thành phố đã và đang làm tốt chức năng phối hợp cùng các Sở, ngành, Ủy ban Nhân dân Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện trong công tác tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố trong việc triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ Hợp tác xã củng cố niềm tin, thúc đẩy nhiều thành viên mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm máy móc, phương tiện, nhà xưởng, chuồng trại, kết nạp thêm thành viên mở rộng sản xuất, kinh doanh…, kinh tế Hợp tác xã Thành phố đã bắt đầu có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về hình thức, quy mô và phạm vi hoạt động, dần khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế Hợp tác xã được củng cố và phát huy vai trò nòng cốt trong nền kinh tế thị trường.

Quỹ hỗ trợ vốn xã viên Hợp tác xã tiếp tục phát huy được vai trò không thể thiếu trong công tác triển khai các chính sách hỗ trợ đối với khu vực kinh tế tập thể, Hợp tác xã đặc biệt là việc giải quyết các khó khăn về tài chính của các Hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã.

Bên cạnh mặt tích cực, Hợp tác xã tại Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Thiếu vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh của Hợp tác xã hiện đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của các Hợp tác xã do nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển Hợp tác xã còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thiết thực….Ngoài ra, , thiếu năng lực quản lý, khó khăn trong tiếp cận thị trường, cạnh tranh gay gắt với khu vực kinh tế tư nhân và sự biến đổi liên tục của môi trường kinh doanh.

So với các thành phần kinh tế khác, nguồn nhân lực của Hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế về trình độ chuyên môn, thành viên quản lý Hợp tác xã (chức danh giám đốc, phó giám đốc), vì vậy, kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất giỏi nhưng lại yếu về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành; thiếu nhân lực có tâm huyết đối với hoạt động của Hợp tác xã. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư liên kết vào Hợp tác xã để giúp Hợp tác xã giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã. Điều này làm cho việc ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại của các HTX vào quá trình sản xuất, kinh doanh vẫn còn hạn chế.

Để thực khắc phục khó khăn trên, Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Liên minh Hợp tác xã Thành phố tiếp tục hỗ trợ kinh tế tập thể ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin,... qua hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công, nhằm hỗ trợ Hợp tác xã và hộ nông dân; khuyến khích các cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ liên kết với Hợp tác xã, chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ mới cho Hợp tác xã, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, khai thác và sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước; hướng dẫn và giúp đỡ các tổ hợp tác, Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.

Kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm xúc tiến thương mại, Liên minh Hợp tác xã Thành phố hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường cho các hộ nông dân, tổ hợp tác và Hợp tác xã; tổ chức các hình thức giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài nước phù hợp với trình độ hiện tại và xu thế phát triển của kinh tế tập thể. Thành phố tiếp tục có chế độ ưu đãi các Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện rộng rãi việc ký kết hợp đồng trực tiếp giữa doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp với nông dân qua các Hợp tác xã.

Bên cạnh đó, các Sở, ngành liên quan cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ các Hợp tác xã nông nghiệp, nhất là cung cấp đủ tín dụng với cơ chế phù hợp điều kiện của các Hợp tác xã để các đối tượng này có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng đối với một số hoạt động dịch vụ thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp của thành viên và cộng đồng địa phương. Tăng cường hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh như giao, cho thuê đất xây dựng trụ sở, công trình thủy lợi, các cơ sở dịch vụ, bảo quản chế biến sau thu hoạch./.

 

PV