Từ thế kỷ 19, khu vực Bến Nhà Rồng là trụ sở của Công ty vận tải đường biển Pháp. Tòa nhà được xây dựng  theo lối kiến trúc phương Tây, nhưng có đôi rồng gắn trên nóc, một kiểu trang trí truyền thống của Việt Nam. Tòa nhà nằm ở khu vực bến cảng, do vậy được mang tên Bến Nhà Rồng.
Đến năm 1954, Bến Nhà Rồng được sử dụng phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Sài Gòn. Năm 1975, đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, Bến Nhà Rồng được tu sửa lại và trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Ngày 2/9/1979, kỷ niệm 10 năm Ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng mở cửa đón khách tham quan tìm hiểu sự nghiệp cách mạng, con đường cứu nước của Người.

Bến Nhà Rồng hiện nay nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.

Bảo tàng trưng bày hơn 10.000 tư liệu, hiện vật và 3.300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong đó nhấn mạnh sự kiện ra đi tìm đường cứu nước và thể hiện tình cảm của Bác với đồng bào miền Nam (trong ảnh: Thùng tưới nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng tưới cây vú sữa do nhân dân miền Nam gửi tặng Bác, được trồng tại nhà sàn nơi Bác ở)

Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách từ khắp nơi trong nước và nước ngoài đến tham quan.

Nơi đây cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ Việt Nam...

...hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, tấm gương đạo đức, phẩm chất cao đẹp và tình cảm sâu sắc của Bác Hồ kính yêu đối với dân tộc, quê hương, đất nước Việt Nam

 

Hơn 100 năm đã qua, những hình ảnh về nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước cũng như những nơi Người đã từng sống, làm việc vẫn đem đến cho thế hệ trẻ hôm nay sự tôn kính, ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô hạn.
Phạm Cường