Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam - Lào 2024 tổ chức
ngày 27/12 là cơ hội để các doanh nghiệp hai bên tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.
Quan hệ kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh và Lào được đẩy mạnh, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong thương mại, đầu tư. Với tiềm năng lớn và chính sách ưu đãi, Lào trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế song phương và khu vực.
Doanh nghiệp TP đẩy mạnh khai thác tiềm năng thị trường Lào
TP Hồ Chí Minh luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt, trong đó có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với nước bạn Lào nói chung và với các địa phương Lào nói riêng, đóng góp vào nỗ lực chung của hai nước nhằm tạo bước đột phá trong tiến trình nâng cấp hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ cho tương ứng với quan hệ chính trị, trên cơ sở duy trì khả năng và thế mạnh của mỗi nước.
Theo thống kế của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh là điểm đến của 122 nước/vùng lãnh thổ trên thế giới, là điểm sáng thu hút đầu tư của khu vực. Tính đến ngày 30/11/2024, số cấp mới và điều chỉnh dự án còn hiệu lực trên địa bàn Thành phố hiện 13.499 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 58,45 tỷ USD; giá trị vốn đầu tư nước ngoài, tính chung cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt hơn 87,84 tỷ USD. (dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước). Singapore, Nhật, Hàn, Đảo quốc Virgin là những nước có đầu tư nước ngoài nhiều nhất tại TP. Các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư nhiều vào các lĩnh vực: bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và thông tin và truyền thông.
Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, TP Hồ Chí Minh luôn chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế với các quốc gia, đặc biệt là với Lào.
Tổng vốn đầu tư của Lào vào TP Hồ Chí Minh đạt gần 1,9 triệu USD, tập trung vào ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy. Ở chiều ngược lại, đầu tư của TP Hồ Chí Minh vào Lào đạt hơn nửa tỷ USD, tập trung vào các ngành khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Kim ngạch thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và Lào trong những năm qua vẫn luôn có sự tăng trưởng ổn định, cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TP và Lào đạt 1,8 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ TP vào Lào đạt 1,6 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của TP từ Lào đạt 271 nghìn USD.
Quan hệ Hữu nghị Hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương Lào, đặc biệt là Thủ đô Viêng-Chăn, tỉnh Chăm-pa-xắc và tỉnh Xa-văn-na-khệt có nhiều kết quả nổi bật.
Với Viêng Chăn, TP trao 17 suất học bổng đào tạo đại học, sau đại học/năm; ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2024 – 2026 giữa Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh và Hội đồng nhân dân Thủ đô Viêng Chăn (tháng 4/2024); phối hợp thực hiện Dự án Trung tâm sản xuất giống bò thịt tại Viêng Chăn, khảo sát địa điểm xây dựng Trại chăn nuôi sản xuất giống bò thịt; dự án xây dựng Trung tâm Thương mại – Du lịch tại Viêng Chăn và TP Hồ Chí Minh; phối hợp thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội tại Viêng Chăn; tập huấn tài chính, chuyển giao trang thiết bị họp trực tuyến...
Với tỉnh Xa-văn-na-khệt, TP trao 30 suất học bổng mỗi năm; ký kết Bản ghi nhớ về hỗ trợ tỉnh Savannakhet tăng năng suất lúa giai đoạn 2024 – 2025 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hai bên.
Với tỉnh Champasak, TP trao 35 suất học bổng; phối hợp triển khai hợp tác xây dựng công viên, quảng trường Hữu nghị tại tỉnh Chăm-pa-xắc; hỗ trợ tư vấn mở rộng thành phố Pakse và thiết kế chi tiết các phân khu và tư vấn quy hoạch 03 huyện của tỉnh.
TP tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản.
Đặc biệt, các địa phương tại Lào có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, sản xuất nông sản. TP Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp lớn, tiềm năng về vốn, kỹ thuật. Do đó, tiếp tục hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp của hai bên tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại mỗi địa phương; phối hợp tổ chức định kỳ các hội nghị xúc tiến đầu tư; phấn đấu thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Thương mại – Du lịch tại Viêng Chăn và TP Hồ Chí Minh trong thời gian sớm nhất.
Tiếp tục hỗ trợ các chương trình chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn của các sở, ban, ngành của hai bên trong các lĩnh vực nông nghiệp, chính quyền điện tử, thuế, tài chính,…Tiếp tục duy trì việc trao đổi đoàn ở cấp sở ngành thường xuyên, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quan hệ Việt Nam – Lào, đặc biệt là thế hệ trẻ, tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực mà hai bên quan tâm. Tiếp tục thực hiện dự án tôn tạo và nâng cấp Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Savannakhet; dự án xây dựng công viên, quảng trường Hữu nghị tại tỉnh Champasak.Tiếp tục thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc để tăng cường tình hữu nghị và hợp tác lâu dài thông qua tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao.
Hai nước đang hướng đến tăng giá trị thương mại song phương lên 2 tỷ USD trong tương lai gần
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, đầu tư từ Việt Nam vào Lào hiện có tổng cộng 417 dự án, với tổng giá trị được phê duyệt hơn 4,9 tỷ USD. Trong đó, các dự án đầu tư 100% vốn Việt Nam chiếm 4,6 tỷ USD. Phần lớn đầu tư vào nông nghiệp (680 triệu USD), năng lượng điện (980 triệu USD), khai thác khoáng sản (1 tỷ USD), dịch vụ khác (2 tỷ USD).
Luật Xúc tiến đầu tư Lào đã có quy định 9 lĩnh vực khuyến khích đầu tư với các chính sách ưu đãi về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhượng quyền sử dụng đất nhà nước; miễn thuế nhập khẩu đối với các vật liệu, thiết bị không thể sản xuất trong nước cũng như máy móc sử dụng vào việc sản xuất trực tiếp.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Lào tham quan các gian hàng tại triển lãm trong khôn khổ Diễn đàn.
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng, Thành phố vô cùng phấn khởi và chia vui với nước bạn Lào về những kết quả tích cực mà Lào đã đạt được trong Năm Du lịch Lào 2024 khi đón hơn 3,3 triệu lượt du khách quốc tế chỉ trong 10 tháng đầu năm 2024, cao hơn 22% so với mục tiêu đề ra của năm 2024, góp phần thúc đẩy quảng bá văn hoá, lịch sử, thiên nhiên Lào đến với khu vực và quốc tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Lào.
Quan hệ giữa Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng gần gũi, luôn gắn bó khăng khít, trong đó quan hệ chính trị tốt đẹp đã tạo dựng nền tảng để quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước tiếp tục tiến triển tích cực và hiệu quả. Tổng kim ngạch thương mại song phương ước tính đạt khoảng 1,63 tỷ USD vào năm 2023. Hai nước đang hướng đến tăng giá trị thương mại song phương lên 2 tỷ USD trong tương lai gần bằng cách tối đa hóa tiềm năng hợp tác thương mại mà hai nước có thể mang lại thông qua Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào được ký kết vào tháng 4/2024. Hiện nay, Lào tiếp tục là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Cùng quan điểm trên, ông Vansy Kuamua - Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước và kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm tại Lào. Ông khẳng định Lào sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động.
Việt Nam và Lào đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD mỗi năm. Để đạt được mục tiêu này, hai bên đã và đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, và các chương trình kết nối doanh nghiệp. TP Hồ Chí Minh và các địa phương của Lào cũng cam kết thực hiện hiệu quả bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2022 - 2025, nhằm phát huy tối đa thế mạnh của cả hai bên.
Thời gian tới, các dự án trọng điểm như khai thác khu kinh tế cửa khẩu, quy hoạch mạng lưới chợ biên giới và hợp tác phát triển năng lượng tái tạo sẽ là những động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh và Lào.
Lào không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn mà còn là đối tác kinh tế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Với tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, vị trí chiến lược và chính sách khuyến khích đầu tư vượt trội, thị trường Lào hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh.
Kết quả hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và Lào trong những năm qua đã chứng minh rằng hai nước có mối quan hệ chặt chẽ và tiềm năng phát triển to lớn trong tương lai. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, hai bên còn rất nhiều cơ hội để phát triển mối quan hệ này. Đồng thời tin rằng, với sự nỗ lực không ngừng và quyết tâm từ cả hai bên, hợp tác khăng khít, bền chặt như những anh em trong gia đình giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương tại Lào sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực./.