Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7/10/2022, của Bộ Chính trị, “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 là: “Thành phố Hồ Chí Minh phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới”, mục tiêu đến năm 2045 là: “Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới”. Đặc biệt Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị, “về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước. Như vậy, vấn đề thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách mới, vượt trội sẽ là “chìa khóa” để Thành phố Hồ Chí Minh sớm bứt phá, phát triển nhanh và bền vững, góp phần khai phóng mọi nguồn lực, biến Thành phố Hồ Chí Minh trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế Việt Nam, là đầu tàu, trung tâm về nhiều mặt, là địa phương có năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng- Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ cho rằng: Với các cơ chế mới đươc đề cập trong Nghị quyết 98/2023/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 24/6/2023 đã mang đến các cơ hội cho Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, để làm tốt điều đó, Thành phố cần thực hiện các bước sau:

Thứ nhất, về lý thuyết, tùy thuộc đối tượng mà chủ thể cần vận dụng phương pháp quản lý phù hợp. Nhưng thực tế, các cấp hành chính ở nước ta chưa vận dụng linh hoạt vấn đề này. Các cơ chế, chính sách thường được áp dụng đồng loạt - có phần “cứng nhắc” trong việc tinh giản đầu mối và biên chế của cơ quan nhà nước. Chủ trương tinh giản biên chế, tin gọn bộ máy là chủ trương đúng đắn và hướng đến một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả, giảm gánh nặng chi ngân sách thường xuyên cho Trung ương, từ đó có điều kiện để cải cách tiền lương cho cán bộ, song cần chú ý, cân nhắc sự khác biệt ở các địa phương khác nhau, đặc biệt chú ý các địa phương đặc thù. Điển hình với đối tượng quản lý ngày càng tăng lên (dân số/ mật độ dân cư), công việc và độ phức tạp nhiều hơn, hoạt động kinh tế lớn, thu ngân sách lớn hơn nhưng đều chịu sự áp dụng chính sách chung của toàn quốc về tinh giản biên chế và đầu mối làm việc như hiện nay là bất hợp lý với Thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, Thành phố nên nghiên cứu, đề xuất xây dựng khung tiêu chí, định mức để điều tiết tăng, giảm biên chế phù hợp với thực tế. Đồng thời, Thành phố cũng nên đề xuất tỷ lệ đóng góp ngân sách Trung ương phù hợp để tạo động lực và khuyến khích sự năng động, sáng tạo, đóng góp, kiến tạo phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững mà Đảng ta đã đề ra.

Thứ hai, để có nguồn thu và chủ động cân đối đầu tư phát triển, Thành phố cần thiết lập một phương thức công bằng, minh bạch, bảo đảm nguồn thu bền vững để thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách vượt trội. Nên chăng, Thành phố sẽ thí điểm tiên phong vấn đề này, nếu tốt sẽ là tiền đề khuyến khích các tỉnh, thành phố cùng thực hiện sao cho chính sách công bằng tới mọi địa phương không phải là một sự “đặc thù” theo kiểu “ưu đãi”. Nếu tiếp cận từ vấn đề đặc thù để phát triển từ việc được hưởng một số “ưu đãi” - như “đặc quyền, đặc lợi” thì chính sách đó chưa hẳn đã bền vững bởi nó chỉ có thể áp dụng trong khoảng giới hạn thời gian, không gian cụ thể. Vì lẽ đó, cần cân nhắc, xây dựng, thiết lập một cơ chế, chính sách mới, vượt trội công bằng cho Thành Phố Hồ Chí Minh trên cơ sở công bằng và bền vững dài lâu.

Thứ ba, Thành phố có thể đề xuất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 31/NQ-TW và Nghị quyết số 98/2023/QH15. Trên cơ sở đó, Thành phố nên phối hợp triển khai hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và đúng quy định. Để thực hiện việc này, Thành phố cần đề xuất với Trung ương trong việc xác định định mức công việc gắn với việc đóng góp nguồn thu ngân sách Nhà nước để tạo mức định mức cơ bản với các cơ chế giữ lại tỷ lệ phần trăm tài chính trên tổng thu ngân sách như hiện tại. Trên cơ sở đó, Thành phố cần xây dựng định mức đối với từng quận, huyện, thành phố thuộc Thành phố để kích thích, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tích cực, hiệu quả.

Thứ năm, Trên cơ sở Nghị quyết số 31/NQ-TW và Nghị quyết số 98/2023/QH15, Thành phố cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế đột phá trong việc chủ động xem xét, thẩm định, giao bổ sung số lượng biên chế cho các phường, xã, thị trấn để góp phần khắc phục tình trạng thiếu biên chế hiện nay, cũng như sự quá tải về công việc. Đặc biệt đối với các xã của các huyện có đông dân cư, đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.

Thứ sáu, Với các nội dung, cơ chế mới được đề cập trong Nghị quyết số 98/2023/QH15, Thành phố cần thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối nội vùng Đông Nam Bộ và Đồng băng Sông Cửu Long tạo sự lưu thông giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng, từ đó góp phần thu hút nguồn lực giúp quá trình đô thị hóa và phát triển của thành phố Hồ Chí Minh nói chung và 5 huyện nói riêng, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng. Thực hiện tốt vấn đề này, sẽ giúp Thành phố phát triển năng động, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, làm tiền đề cho sự phát triển của các vùng, địa phương khác trong cả nước.

Thứ bảy, trên cơ sở số 98/2023/QH15 Toàn thể hệ thống chính trị và cần tổ chức thực thi hiện thực hóa thành các chủ trương, văn bản, kế hoạch cụ thể để nhanh chóng triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác truyền thông tạo động lực cho cán bộ, nhân dân toàn thành phố chung sức, đồng lòng cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững ổn định tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh, bền vững, là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của đất nước./.

 

PV