16:14 24/07/2024
print  

Người dân tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(ĐCSVN) - Những ngày này, người dân tại các địa phương khu vực miền Nam nói chung và người dân tại TP Hồ Chí Minh đang bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hải Phòng, ngày 15/11/2017. (Ảnh: Trí Dũng/ TTXVN)

Chia sẻ những tình cảm của mình, Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Quang Phú bộc bạch: “Tôi rất kính trọng đồng chí Nguyễn Phú Trọng qua những công việc đồng chí đã làm, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí luôn đau đáu với vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Đọc, nghiên cứu những tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư, trong đó có tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long nhận thấy, không chỉ có những chỉ đạo, lãnh đạo mang tầm vóc to lớn, có ý nghĩa quan trọng với đất nước, đồng chí Tổng Bí thư còn là một nhà lý luận sắc bén. Những phân tích biện chứng, lý giải thấu đáo các câu hỏi lớn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nguồn tư liệu đáng quý dành cho những nhà nghiên cứu lý luận và cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo trong tình hình mới.

Chia sẻ với chúng tôi tấm hình kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TS. Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho hay: “Đây là tấm hình tôi vinh dự được chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội. Hôm đó, khi tôi gặp ông ngoài hành lang Quốc hội, Tổng Bí thư ân cần hỏi thăm và nói, mỗi lần tôi phát biểu ở Quốc hội, ông đều chú ý lắng nghe, đặc biệt là những vấn đề, ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. “Tâm còn trẻ lắm, cố gắng học tập, công tác tốt nhé”, tôi nhớ như in lời Tổng Bí thư dặn mình. Với tôi, lời dặn ấy là động lực để tiếp tục cố gắng, vượt qua những khó khăn, thử thách làm nhiều việc ích nước, lợi dân”.

TS. Trần Khắc Tâm luôn khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm nhiều việc có ích cho đất nước, cho người dân. (Ảnh: NVCC)

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời trong niềm kính thương vô hạn của đông đảo đồng bào, cử tri cả nước, trong đó có cử tri, Nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long. Vẫn biết rằng tuổi cao, sức yếu, lẽ sinh tử thuộc về tạo hóa, nhưng tin ông ra đi đều làm ai nấy ngậm ngùi. Ông đã tận hiến cho Đảng, cho Tổ quốc, cho Nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Và ông sống mãi trong trái tim Nhân dân với tấm gương mẫu mực liêm chính, giản dị, cương quyết. Trái tim của một người vì nước, vì dân đã ngừng đập, để lại nỗi đau thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào”. TS Trần Khắc Tâm bày tỏ.

Tại TP Hồ Chí Minh, chiều 22/7, nhiều người dân đã đến chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) để thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Kim Sáng)

Tại thành phố Hồ Chí Minh, chiều 22/7, nhiều người dân đã đến chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) để thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Được biết, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vào chiều 19/7, tối cùng ngày, chùa Vĩnh Nghiêm đã thực hiện đặt di ảnh của Tổng Bí thư lên bàn thờ. Đây là việc làm ý nghĩa nhằm thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh đạo của nước nhà; đồng thời tạo điều kiện cho người dân thành phố Hồ Chí Minh đến dâng hương, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Không giấu được niềm xúc động khi nhắc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cựu chiến binh Nguyễn Lục Tăng (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo tài đức song toàn. Những đóng góp của ông trong công cuộc xây dựng Đảng và phát triển đất nước đã để lại cho bản thân tôi những ấn tượng không thể quên. Đặc biệt, dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện hiệu quả, không có vùng cấm, đem lại sự tin tưởng, ủng hộ của người dân vào Đảng, chính quyền; góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh. Hình ảnh Tổng Bí thư giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, nghĩa tình mỗi lần đến thăm, làm việc với các địa phương, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, đã in sâu trong trái tim của những đảng viên và đông đảo nhân dân, được dân kính, dân yêu. Ông là một học trò vô cùng xuất sắc của Bác Hồ, từ tư tưởng, ý chí, phong thái, lòng nhân ái, sự khiêm tốn giản dị, chí công vô tư. Ông là tấm gương để cán bộ, đảng viên và người dân noi theo".

Cựu chiến binh Nguyễn Lục Tăng. (Ảnh: Hoàng Mẫn)

"Tổng Bí thư khắc nỗi nhớ và lòng kính trọng vô biên vào trái tim của đảng viên, dân nghèo, là hãy từ chối mọi sự phù phiếm xa hoa, sống một cuộc đời ý nghĩa, đáng sống. Chúng tôi tiễn đưa ông về an nghỉ ngay trong lòng đất mẹ, như bao người dân bình thường khác... Và như vậy, ông sẽ muôn đời sống trong lòng dân, đau nỗi đau cùng dân và hưởng niềm hạnh phúc giản dị như cỏ cây hoa lá, cùng dân", cựu chiến binh Nguyễn Lục Tăng bộc bạch. 

Cựu Chiến binh Lê Thanh Giản (quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Bản thân chưa được trực tiếp gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng thông qua những hình ảnh trên các phương tiện truyền thông, tôi biết đến Tổng Bí thư là người rất phúc hậu, một nhân cách vĩ đại của dân tộc, đất nước. Những việc làm của Tổng Bí thư đối với dân, với nước vô cùng lớn lao. Tôi và những người dân thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày này, đều thương tiếc cho sự ra đi của Tổng Bí thư”./..

Nhóm PV