15:30 28/11/2023
print  

Thực hiện pháp luật kinh tế ở TP Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp

(ĐCSVN) - Ngày 28/11, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội (KHXH) vùng Nam Bộ phối hợp với Viện Nhà nước và Pháp luật tổ Tọa đàm khoa học với chủ đề: " Thực hiện pháp luật kinh tế ở TP Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp".

Chủ trì Tọa đàm.

 

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS,TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam cho biết: Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Đề tài khoa học "Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế - nội dung trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.

Tại Tọa đàm các nhà nghiên cứu tham gia trực tiếp thực hiện Đề tài, các nhà khoa học, nhà quản lý từ thực tiễn công việc của mình nhận diện, đánh giá thực trạng của pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật kinh tế Việt Nam nói riêng hiện nay. Từ đó nêu rõ những mặt được, những hạn chế còn tồn tại để nêu đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong thời gian tới.

Các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận những cơ chế, chính sách vượt trội cho TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới; Thực tiễn chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trướng ứng phó biến đổi khí hậu tại TP Hồ Chí Minh; Chính sách và pháp luật về thị trường cacbon; Bảo đàm quyền lợi của người lao động trong nền kinh tế chia sẻ- thực tiễn tại TP Hồ Chí Minh…

Theo PGS,TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ từ những dẫn chứng cụ thể đã chỉ ra các thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và các giải pháp trong bối cảnh mới khi TP Hồ Chí Minh đã được Quốc Hội thông qua Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; những thời cơ và thách thức cho sự phát triển của Thành phố khi triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu, nội dung của Nghị quyết.

PGS,TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.

Từ đó, PGS, TS Vũ Tuấn Hưng nêu một số giải pháp cụ thể thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách vượt trội cho TP Hồ Chí Minh, đó là: Phát triển đồng bộ các yếu tố  tổ chức, bộ máy, thể chế, công tác cán bộ, nguồn nhân lực trong bộ máy quản lý, nhất là đội ngũ nhân lực trong hệ thống chính trị; thành phố cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên mọi mặt kinh tế - văn hóa - xã hội đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng huyện thành quận hoặc thành phố thuộc Thành phố; Xây dựng các huyện thành quận, thành phố “vệ tinh” trong tương lai, trên cơ sở các đơn vị hành chính hiện hữu, đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển của địa phương và yêu cầu của thực tiễn.

TS, Trần Thị Bích Nga, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, với tham luận “Thực tiễn thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường ứng phó biến đối khí hậu (BĐKH) tại TP Hồ Chí Minh” cho biết: Nhận thức rõ những tác động nghiêm trọng của BĐKH đến sự phát triển bền vững của đất nước, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, thúc đẩy phát triển nền kinh tế các bon thấp, phát triển bền vững. Đảng đã ban hành các văn kiện về các vấn đề liên quan trực tiếp đến BĐKH. Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và các cam kết quốc tế, Quốc hội đã thông qua Luật Khí tượng thủy văn, trong đó đã dành một chương quy định về giám sát BĐKH; đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định tương đối đồng bộ và đầy đủ các giải pháp nhằm thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Chính phủ đã ban hành 03 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường…

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan, các địa phương, trong đó có các địa phương chủ trì xây dựng, ban hành và thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và văn bản hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật nêu trên. Bên cạnh đó, cùng với cộng đồng quốc tế Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn, triển khai thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris về BĐKH, đặc biệt là cam kết tại COP26 về phấn đấu mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các cấp, các ngành đã ban hành một hệ thống chính sách, pháp luật khá đồng bộ về ứng phó với BĐKH. Đây là những nỗ lực quan trọng của cả hệ thống chính trị cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế trong ứng phó với BĐKH.

Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm.

Ứng phó với BĐKH ở nước ta đã đạt được một số thành công bước đầu, được quốc tế ghi nhận. Các chính sách ứng phó với BĐKH này đã giúp giảm thiểu tác động của BĐKH, tăng cường khả năng chống chịu của hệ sinh thái và cộng đồng dân cư, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chức năng và thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan.

Tuy vậy, TS Trần Thị Bích Nga cũng thẳng thắn nêu rõ, hệ thống chính sách ứng phó với BĐKH ở Việt Nam vẫn còn những lỗ hổng, vẫn còn những nội dung chưa hoàn toàn phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đã nêu chính sách và pháp luật về thị trường các bon, một số vấn đề đặt ra đối với TP Hồ Chí Minh; các đại biểu thảo luận, nêu một số bất cập trong công tác quản lý rừng phòng hộ tại TP Hồ Chí Minh và nêu những kiến nghị, giải pháp; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bất động sản của Trọng tài thương mại hiện nay…/.

Hoàng Mẫn