Các đại biểu cắt băng khai mạc.

Từ ngày 5 đến ngày 8/4, tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), Q.7, TP Hồ Chí Minh diễn ra Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị - nguyên phụ liệu và vải (SaigonTex & SaigonFabric 2023). Triển lãm do Bộ Công thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)... tổ chức.

Sự kiện được kỳ vọng sẽ kết nối thương mại, mang đến một thị trường giao thương sôi động của ngành công nghiệp dệt may, cơ hội hợp tác kinh doanh cả trong và ngoài nước.

Triển lãm quy tụ 1.300 công ty trong lĩnh vực thiết bị dệt may, nguyên phụ liệu đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, từ các thị trường Ấn Độ, Bỉ, Cộng hòa Czech, Đài Loan (Trung Quốc) , Đức, Hà Lan, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Nhật...tham gia.

Hầu hết các máy móc, phụ tùng và phụ kiện nổi tiếng quốc tế sẽ được trưng bày, gồm các máy thiết bị dệt may, nhuộm, đo quang phổ, máy may thêu tự động, chuyền treo, công nghệ chuyển đổi số, hệ thống CAD - CAM, lập trình, cắt trải vải, in kỹ thuật số...

Khách tham quan triển lãm.

Theo VITAS, năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức do đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá. Đặc biệt, câu chuyện về phát triển bền vững đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các đối tác ngày càng khắt khe hơn trong yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may, và đây chính là “bài toán lớn” cho doanh nghiệp từ năm 2023. Bên cạnh đó, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, không thể dừng lại tại một số mặt hàng truyền thống như xưa cũng thách thức của ngành trong thời gian tới.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhận định, 2023 là năm thách thức của ngành khi những dự báo cho thấy nhu cầu dệt may thế giới sẽ giảm 6-10%, từ 757 tỉ USD còn 712 tỉ USD, và thậm chí còn 687 tỉ USD.

3 tháng đầu năm, các đơn hàng ngành may giảm 2-3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, giá gia công giảm rất sâu, nhiều doanh nghiệp chỉ có đơn hàng đến hết tháng 3, tháng 4. Trong khi mọi năm, thời điểm này đã có đơn hàng làm hết tháng 6 hoặc hết năm. Ông Hiếu cũng bày tỏ kỳ vọng sự kiện lớn của ngành dệt may sắp tới có thể là cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước tham gia, kết nối, hợp tác, trao đổi thông tin và tìm đối tác. “Quan trọng nhất của ngành trong cách mạng 4.0 là phải tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí, tinh gọn bộ máy bằng các công nghệ hiện đại. Chúng tôi kỳ vọng ngành công nghiệp dệt may có cơ hội tiếp cận được những công nghệ tiên tiến, mở rộng giao thương, thay đổi cách nhìn và chiến lược đầu tư bền vững trong tương lai”, ông Hiếu bày tỏ./..

Tin, ảnh: Chi Mai