Chợ đầu mối Bình Điền. (Ảnh: PV)
Về tiềm năng và lợi thế so sánh trong lĩnh vực Nông nghiệp, Thành phố có 4 thế mạnh chính, đó là gần nguồn nguyên liệu dồi dào phong phú do có vị trí địa lý tiếp giáp với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam, đóng góp hơn 30% GRDP nông nghiệp của cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, logistics khoa học công nghệ... của vùng trọng điểm phía Nam và cả nước. Thành phố vừa là một thị trường tiêu thị nông sản lớn vừa là trung tâm kết nối của toàn vùng với thị trường quốc tế; có nền tảng sản xuất chế biến, chế tạo tương đối mạnh; có trình độ KHCN tương đối cao.
Với vai trò là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ nông sản lớn, và là trung tâm kết nối giữa các vùng miền và với thị trường quốc tế. Cộng với lợi thế địa lý gần một vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn, thành phố có thể tiếp cận với nguồn cũng sản phẩm đầu vào với chi phí vận chuyển thấp. Thành phố đáp ứng đủ mọi điều kiện để trở thành để hình thành một trung tâm tiêu thụ nông sản (sàn giao dịch nông sản) cho cả vùng và cả nước. Điều này không chỉ có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế của Thành phố nói riêng, mà còn có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Nam bộ nói chung. Trên thực tế, một trong những khó khăn lớn cho người nông dân là sản phẩm của họ không được quảng bá và không có thị trường tiêu thụ ổn định do thiếu kênh kết nối giữa người nông dân và người tiêu dùng trong và ngoài nước. Do vậy việc hình thành một trung tâm logistics nông sản (như mô hình chợ đầu mối) có quy mô và tiêu chuẩn tầm cỡ quốc tế là rất quan trọng để giúp người nông dân kết nối với thị trường tiêu thụ một cách bài bản và ổn định.
Kinh nghiệm từ nhiều nước về hình thành một trung tâm logistics nông sản
Trên thế giới, mô hình này đã được thực hiện ở rất nhiều nước, như chợ đầu mối “Chợ Thái” (Talaad Thai) ở Thái Lan, Chợ đầu mối Pasar Borong Kuala Lumpur ở Malaysia. Trong đó, phải kể đến chợ đầu mối Rungis của Pháp, là một mô hình chợ đầu mối đang hoạt động rất hiệu quả. Chợ đầu mối Rungis là một chợ bán buôn lớn nhất trong khối EU và thế giới với diện tích mặt bằng 1 triệu m2, hiện có khoảng 1400 doanh nghiệp đang hoạt động với 20.000 nhân công. Chợ có vị trí thuận lợi để làm “sàn giao dịch” là nằm sát sân bay với mạng lưới giao thông kết nối thuận tiện và chỉ cách Paris có 7km.
Chợ Rungis được coi là “sàn giao dịch” nông sản của người nông dân Pháp vì nó là nơi tập trung của nông sản với đa dạng chủng loại rau, trái cây, hải sản, thịt, thực phẩm chế biến... từ khắp nước Pháp. Và từ đó cung cấp hàng nông sản thực phẩm cho toàn bộ thủ đô Paris và vùng phụ cận với 18 triệu dân cũng như xuất khẩu đi các nước khác. Bên cạnh đó, vai trò của chợ không chỉ là giao dịch nông sản trong nước mà chợ cũng là nơi giao dịch buôn bán tất cả hàng hóa nông sản và ngư nghiệp của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo số liệu của Rungis Intenational Market, hiện có khoảng 65% nông sản của chợ được tiêu thụ tại vùng phụ cận của Paris, 25% bán đi các vùng khác của Pháp, có 10% xuất khẩu đi nước ngoài .
Để có thể thực hiện được khối giao dịch khổng lồ với dòng hàng hóa từ nhiều nơi khác nhau trong và ngoài nước, đòi hỏi chợ phải được thiết kế và có cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật phù hợp để đảm bảo được khối lượng giao dịch đó. Từng loại nông sản sẽ được phân khu, thiết kế và trang bị thiết bị phù hợp để đảm bảo chất lượng sản phẩm và thuận tiện cho việc giao dịch. Ví dụ ở khu chợ bán thịt tươi sống được lắp đặt hệ thống rơ móc tự động và thiết kế kiểu nhà lạnh để đảm bảo nhiệt độ luôn ở 3 - 4oC nhằm bảo quản thịt sau khi giết mổ để tránh sự xâm lấn của vi khuẩn và đảm bảo sự tươi ngon và chất lượng.
Đối với sản phẩm tươi sống thì đảm bảo an toàn thực phẩm là yếu tố tiên quyết để tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Do vậy, chợ Rungis đã thực hiện rất nhiều hoạt động kiểm tra kiểm soát để đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm từ khâu nhập hàng tới khi xuất hàng. Chợ áp dụng công nghệ truy nguồn gốc sản phẩm và có 70 cán bộ thú y để thường xuyên kiểm tra chất lượng hàng hóa. Trung bình mỗi năm khoảng 10.000 mẫu lấy tại đây được phân tích trong phòng thí nghiệm, tìm dấu vết dư lượng hoóc môn, kháng sinh, hóa chất hay ký sinh trùng...
Chợ cũng rất chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường, với khoảng 30% tổng ngân sách vận hành toàn khu chợ được dành cho lau rửa sàn, thu gom rác, xử lý rác... Rau quả thực phẩm không có người mua sau khi chợ vãn sẽ được phân loại, những thứ còn dùng được quyên góp cho các tổ chức từ thiện, còn loại bắt đầu hư hỏng thì sẽ được đưa đi ủ làm phân bón ruộng. Rác bao bì được xử lý thành điện năng đủ phục vụ cho toàn khu chợ và một phần cho sân bay Orly.
Hướng tới phát triển Thành phố thành trung tâm logistics nông sản cho toàn miền Nam và cả nước
Từ bài học kinh nghiệm của chợ đầu mối Rungis của Pháp, một số nhận thức quan trọng được rút ra nhằm phát triển chợ đầu mối và khu đô thị chợ (hướng tới phát triển Thành phố thành trung tâm logistics nông sản cho toàn miền Nam và cả nước): Chợ đầu mối phải là trung tâm Logistic về hàng hoá; Chợ đầu mối không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa như chợ truyền thống, mà phải là trung tâm logistics với đầy đủ chức năng trung chuyển và kết nối lưu lượng hàng hóa lớn với sự trợ giúp của trang thiết bị công nghệ cao; Chợ đầu mối là trung tâm kiểm định, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, Chợ đầu mối là nơi kết nối toàn bộ người sản xuất và tiêu dùng - sàn giao dịch hàng hoá cả trực tiếp và trực tuyến. Chợ đầu mối phải xây dựng, vận hành theo định hướng xanh, tuần hoàn ở tất cả các khâu (từ sản phẩm đến phế phẩm);
Để xây dựng thương hiệu và đáp ứng được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước về an toàn thực phẩm, thì chợ phải có chức năng là trung tâm kiểm định, kiểm tra vệ sinh thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, để từ đó có thể đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cũng như tạo ra một chuẩn mực cho người sản xuất nông nghiệp tuân theo. Với các mục tiêu trên chợ và mô hình quản lý phải ứng dụng công nghệ số, các công nghệ mới.
Khu chợ nhộn nhịp về đêm.
Trên cơ sở phân tích các chợ đầu mối hiện đang hoạt động, kiến nghị xây dựng đầu tư và phát triển chợ đầu mối Bình Điền thành trung tâm logistics Nông sản của thành phố với sự tham gia tư vấn nghiên cứu xây dựng tập đoàn Samaris (là đồng sở hữu và vận hành chợ Rungis) tham gia tư vấn nghiên cứu xây dựng, thậm chí cùng tham gia đầu tư phát triển chợ đầu mối Bình Điền giai đoạn 2 và hỗ trợ Sở an toàn thực phẩm Thành phố trong việc xây dựng các quy định và tiến trình kiểm định-kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm; đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số để triển khai hiệu quả công tác này.
Cụ thể là, thành phố nên từng bước chuyển đổi nâng cấp chợ đầu mối Bình Điền thành trung tâm logistics đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ năng lực để thực hiện chức năng là sàn giao dịch nông sản với khối lượng giao dịch lớn từ trong và ngoài nước... Bên cạnh đó thành phố cũng thúc đẩy ngành chế biến nông sản theo hướng công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đổi mới sáng tạo.../..