Đây là thông tin được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chiều 13/8. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Thu; đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại các ngành học, bậc học. Hiện toàn Thành phố có 153 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Ở bậc trung học có 24 trường THCS và 2 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Năm học 2018 – 2019, toàn Thành phố có gần 1,68 triệu học sinh, tăng hơn 67.000 học sinh, trong đó bậc mầm non tăng hơn 20.000 học sinh, tiểu học tăng hơn 26.800 học sinh, THCS tăng hơn 10.400 học sinh, THPT tăng gần 9.800 học sinh. Để đáp ứng số học sinh tăng mạnh trong năm học này, đảm bảo 100% học sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, Thành phố sẽ đưa vào sử dụng 882 phòng học mới.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn, ngoài việc tăng phòng học thì việc phải tăng biên chế giáo viên đáp ứng số phòng học mới là cần thiết, tuy nhiên hiện nay việc tăng biên chế này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố kiến nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp Bộ Nội vụ để tháo gỡ.

Đồng thời, Sở cũng kiến nghị Thành phố tiếp tục ưu tiên bố trí vốn nâng cấp, mở rộng và duy tu các phòng học, đảm bảo đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 người dân Thành phố trong độ tuổi đi học. Cùng với đó là giao quyền cho một số trường đủ điều kiện được tự xây dựng mức thu đảm bảo thu đủ bù chi, không lợi nhuận; đồng thời cho tuyển dụng các chức danh nhân viên kế toán, nhân viên y tế, tư vấn tâm lý học đường (theo các quy định hiện hành không có các vị trí việc làm này) để đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường. Ngoài ra, cần có chính sách tháo gỡ khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, nhất là bậc tiểu học.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao những nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo Thành phố trong những năm qua, là một trong những địa phương có số lượng học sinh cao nhất cả nước, đảm bảo truyền thống chăm lo tốt cho học sinh, hiện đại hóa và xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ.

Bước sang năm học mới 2018-2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành giáo dục bên cạnh công tác chuẩn bị tốt mọi nguồn lực cho năm học mới cần tiếp tục hoàn thiện và làm việc cụ thể với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những đề xuất của mình. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, ngành giáo dục phải chủ động các giải pháp trong điều kiện cho phép khi Thành phố thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh. Cần áp dụng chính sách đặc thù để khuyến khích giáo dục phát triển.

Liên quan đến đội ngũ giáo viên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần xem lại đánh giá xếp hạng giáo viên hiện nay. Về lâu dài có cách đánh giá giáo viên đúng với những đóng góp của giáo viên để tạo động lực cho giáo viên làm việc, phát huy hết năng lực.

Về kế hoạch xây thêm trường tại các quận nội thành nhưng không còn quỹ đất, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân giao lãnh đạo Sở Xây dựng và Quy hoạch Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu, triển khai đề xuất của ngành giáo dục là nâng cao tầng của các ngôi trường, phù hợp thực tế tại khu dân cư đông đúc.

Đặc biệt, tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đang tính toán và cân đối ngân sách để có thể sắp tới, học sinh bậc THCS tại TP.Hồ Chí Minh sẽ được miễn học phí. Việc này đã được giao cho Sở Tài chính lên phương án để trình HĐND xem xét, thông qua.

Đối với việc bố trí vốn để đảm bảo xây dựng trường lớp đạt mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân vào năm 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các đơn vị liên quan phải chuẩn bị quỹ đất xây dựng trường học, tập trung thực hiện chỉ tiêu này vào năm 2019, không để dồn sang năm 2020./.

Tin, ảnh: VL