Hàng loạt dự án hạ tầng lớn trên địa bàn được triển khai, đưa vào vận hành cùng những cơ chế, chính sách đặc thù được kỳ vọng mở ra một giai đoạn phát triển mới cho TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. (Ảnh: VGP)

Phát huy tinh thần “Chiến thắng 30/4”, từ sau ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu. Nhìn lại 49 năm qua, có thể thấy, 10 năm đầu sau giải phóng, cùng với cả nước, kinh tế TP Hồ Chí Minh gặp muôn vàn khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố chỉ đạt trung bình 2,7%/năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Thành phố đã nỗ lực chăm lo đời sống của người dân, đồng thời không ngừng tìm tòi, đổi mới, đột phá từ thực tiễn để "tự cởi trói", góp phần cùng cả nước chuẩn bị những tiền đề cho đổi mới kinh tế giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 1986 - 1995, cùng với cả nước, TP Hồ Chí Minh đã bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 1991 - 1995 đạt trung bình 12,62%/năm. Đây là giai đoạn vai trò đột phá, đầu tàu kinh tế của Thành phố được phát huy mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài gia tăng nhanh chóng, với mức tăng trung bình 67,97%/năm (1991 - 1995). Cơ cấu kinh tế của Thành phố đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước.

Những năm sau đó, Thành phố đã gia tăng tốc độ phát triển kinh tế, khẳng định vị thế và vai trò của đầu tàu kinh tế Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt tốc độ bình quân 2 con số và trở thành một trong số rất ít địa phương của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài. GRDP bình quân đầu người của Thành phố đã tăng từ 700 USD vào năm 1996 lên xấp xỉ 5.000 USD vào năm 2010.

Cũng ở thời điểm này, TP Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng trong đóng góp vào GDP và ngân sách của cả nước, giữ vững vị trí đầu tàu, đi đầu đổi mới - sáng tạo trong công cuộc phát triển kinh tế của cả nước. Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng kinh tế của Thành phố chuyển biến tích cực từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến quan trọng, theo hướng gia tăng khu vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Cho tới giai đoạn 2011 - 2020, kinh tế Thành phố đã phát triển theo chiều sâu, tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt bình quân 6,86%/năm, vượt mức tăng trưởng chung của cả nước (5,96%) và cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (6,31%). Quy mô GRDP của Thành phố năm 2020 (theo giá năm 2010) chiếm 25,79% của cả nước và chiếm 51,11% vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Năm 2021 tới nay, cũng như các địa phương khác trong cả nước, TP Hồ Chí Minh đã và đang đối mặt với những khó khăn, thách thức do sự tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19. Năm 2021, Thành phố rơi vào tăng trưởng âm 6,78%. Tuy nhiên, năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và Nhân dân Thành phố, kinh tế đã có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng đạt 9,03%, thu ngân sách đạt 122% dự toán.

Kết thúc năm 2023, GRDP của TP Hồ Chí Minh tăng trưởng 5,81%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (5,05%). Từ mức tăng trưởng GRDP 0,7% của quý I, Thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để đạt mức tăng trưởng tích cực trong quý II (5,87%), quý III (6,71%).

 

 Một góc TP Hồ Chí Minh hiện đại. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng nhờ năng suất lao động cao mà Thành phố đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước. Thành phố luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, Thành phố còn là một địa phương đi đầu trong đột phá về thể chế để phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước. Những năm gần đây, Thành phố đã chủ động đề xuất và xây dựng các đề án để trình Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội để tạo động lực mới cho Thành phố phát triển. Đặc biệt gần đây, nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Đây là nghị quyết được đánh giá là tạo ra sự bứt phá cho Thành phố trong thời gian tới bởi có những cơ chế, chính sách chỉ áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh mang tính vượt trội.

Có thể nói, 49 năm qua là một chặng đường quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thành phố, đánh dấu sự trưởng thành và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Thành phố đã không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đồng lòng chung sức “cùng cả nước, vì cả nước”. Thực tế cho thấy, TP Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong, khởi xướng, đột phá nhiều chủ trương, cách làm, đem lại hiệu quả to lớn, tạo sức lan tỏa cho cả nước, giúp Trung ương kịp thời có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Cùng với đó là truyền thống năng động, sáng tạo, các thế hệ lãnh đạo và người dân Thành phố đã xây dựng nên một đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ, mang trong mình sứ mệnh và tầm vóc lớn lao trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước - đầu tàu kinh tế, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước.

Dù gặp những khó khăn khách quan từ dịch bệnh, từ tình hình trong nước, khu vực và thế giới nhưng Thành phố vẫn quyết tâm bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) bình quân hàng năm là 8%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%, GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD. Đặc biệt, Thành phố đang đặt mục tiêu vào năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 25% trong GRDP của Thành phố.

Để đạt được những mục tiêu đó, Thành phố đang đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đến cuối nhiệm kỳ. Trong đó, tập trung quy hoạch kinh tế - xã hội, rà soát điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố tạo không gian phát triển mới (nhất là không gian ngầm, không gian sông - biển). Song song đó, tái cấu trúc kinh tế thành phố với định vị trở thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, trung tâm khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo… gắn với định vị lại chiến lược công nghiệp và không gian phát triển công nghiệp Thành phố theo hướng công nghệ cao và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Thành phố sẽ tập trung huy động các nguồn lực xã hội thông qua triển khai Nghị quyết 98; tập trung giải quyết tồn đọng, kiến tạo tâm thế hành động, trong đó, Thành phố cần ưu tiên tập trung nguồn lực để xử lý hiệu quả những dự án đang trì trệ nhiều năm…

Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nên sự chuyển dịch của nền kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc định hình tương lai kinh tế của cả nước trong những thập niên tới. Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành một nước thu nhập cao, công nghiệp hóa vào năm 2045 với một nền kinh tế dựa trên tri thức, với mô hình tăng trưởng dựa trên các yếu tố đổi mới, sáng tạo và năng suất hơn là dựa trên các nhân tố đầu vào chính như tài nguyên, lao động hay vốn như hiện nay. Mô hình tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh cũng cần được dịch chuyển để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi kinh tế của các nước. Với đầy đủ tiềm năng, lợi thế, với cơ chế chính sách đột phá, vượt trội cùng với sự quyết tâm, truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của chính quyền và Nhân dân, TP Hồ Chí Minh sẽ phát huy vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, góp phần thực hiện mục tiêu Việt Nam hùng cường./..

 

 

V.Lê