Ảnh: CPV
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, hệ thống đường thủy trên địa bàn Thành phố có tổng chiều dài gần 1000 km, đạt mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân. Tính ra, Thành phố có mật độ đường thủy đạt bằng 73% so với Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn Thành phố hiện có trên 90 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài hơn 598 km và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, với chiều dài hơn 100 km.
Cùng voiws đó, để phát huy tiềm năng của giao thông thủy, TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch xây dựng 5 cảng mới trong giai đoạn 2021 - 2025, góp phần phát huy lợi thế của hàng nghìn km đường thủy và san sẻ 60% lượng hàng hóa với vận tải đường bộ.
Trong Đề án phát triển kết cấu hạ tâng giao thông giai đoạn 2020 - 2030 mà Thành phố ban hành, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương ưu tiên xây dựng thêm 5 cảng mới gồm: Cụm Cảng trung chuyển - ICD và Cảng thủy nội địa Khu công nghệ cao tại TP Thủ Đức; Cảng cạn ICD khu vực Củ Chi; Cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC và Cảng hành khách Mũi Đèn Đỏ tại quận 7. Bên cạnh đó, hàng loạt bến cảng hiện hữu như Bến cảng Khu công nghiệp Cát Lái; Cảng hành khách Ba Son; Cảng hành khách Bạch Đằng; Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội… cũng được ưu tiên nâng cấp, chỉnh trang và mở rộng theo quy hoạch. Tổng số vốn đầu tư cho hệ thống các cảng này là hàng chục nghìn tỷ đồng.
Với những tuyến vận tải đường thủy ở TP Hồ Chí Minh, dù tàu cao tốc, phà hay buýt đường sông đều tập trung vào khai thác nhóm đối tượng là khách du lịch. Trong đó, ưu điểm là địa bàn Thành phố có số lượng dân đông, khách du lịch qua địa bàn, chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất. Đưa những hành khách này đi tới các địa điểm du lịch lân cận bằng đường thủy là mục tiêu khả dĩ, có thể dễ dàng khai thác bởi lợi thế cảnh quan sông nước trên lộ trình khai thác.
Để khắc phục những khó khăn trong việc phát triển loại hình giao thông vận tải này, những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để sạch hóa và nạo vét kênh mương, kè bờ kênh, thông luồng tuyến trên sông Sài Gòn.
Theo tính toán của ngành Giao thông vận tải Thành phố, từ nay đến năm 2050, TP Hồ Chí Minh cần hơn 21.000 tỷ đồng để hoàn thiện mạng lưới giao thông thủy phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa. Giai đoạn 2022 - 2023, Thành phố tập trung kêu gọi đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách từ TP Hồ Chí Minh đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại, đưa vào khai thác tuyến khi cầu bến phía huyện Côn Đảo hoàn thành việc đầu tư xây dựng; phát triển tuyến phà biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh - Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Giai đoạn 2022 - 2025 và 2022 - 2030, thành phố tiếp tục tập trung phát triển các tuyến vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy gồm 4 nhóm chính: Tuyến đường thủy tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và phát triển các tuyến vận tải hành khách và du lịch đường biển. Trong đó có các tuyến vận tải hành khách, kết hợp du lịch từ Sài Gòn đi quận 7 - Nhà Bè, Bình Lợi - quận Bình Thạnh, Chợ Đệm - Bến Lức, Hiệp Phước - Nhà Bè, Vàm Thuật - rạch Bến Cát...
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Thành phố có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, gồm 2.953 tuyến với tổng chiều dài 4.368 km, trong đó có 110 tuyến có chức năng giao thông thủy với chiều dài 953 km. Các tuyến sông, kênh rạch có chức năng giao thông thủy của thành phố kết nối thuận lợi theo cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc để đi đến các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kết nối giao thương quốc tế. Đặc biệt, có các tuyến sông, kênh, rạch chảy sâu vào khu vực trung tâm thành phố, tạo nên không gian, cảnh quan kiến trúc thành phố; phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa và phát triển du lịch bằng đường thủy.
Ảnh: Quỳnh Trần
Theo các chuyên gia kinh tế, TP Hồ Chí Minh với điểm nhấn đặc sắc là sông Sài Gòn và các kênh, rạch nội thành là nguồn tài nguyên quý giá của thiên nhiên ban tặng cho Thành phố, chẳng những có giá trị cao về cảnh quan, môi trường, giao thông, mà nếu có cơ chế chính sách phù hợp thì còn tạo ra nguồn lực lớn về kinh tế và phát triển du lịch. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân thành phố, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch.
Để khai thác tiềm năng kinh tế của quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch cần phải quy hoạch tổng thể quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Đi đôi với kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp theo từng giai đoạn; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất; thực hiện phương thức đối tác công - tư, xã hội hóa đầu tư để huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện các dự án trong hành lang bảo vệ sông rạch và kè bờ.
Ngoài ra, với tiềm năng giao thông thuỷ nói trên, du lịch sông nước sẽ trở thành lựa chọn chiến lược tạo lợi thế sở hữu riêng có của TP Hồ Chí Minh. Việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng nhà ga, bến thủy ngoài việc chia sẻ giao thông đường bộ, còn làm mới, đột phá tăng trưởng du lịch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, tăng thêm nhiều sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, từ đó tăng thời gian lưu trú, chi tiêu, mua sắm, ăn uống... của khách du lịch tại TP Hồ Chí Minh, thúc đẩy tăng trưởng môi trường du lịch của TP Hồ Chí Minh./..