leftcenterrightdel
Cống ngăn triều Phú Định thuộc dự án ngăn triều 10.000 tỉ - Ảnh: Phương Nhi

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.

Kế hoạch nhằm quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở các cơ quan, ngân hàng thương mại nhà nước, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp nhà nước, các bệnh viện, khu ký túc xá sinh viên… thuộc phạm vi, địa bàn Thành phố quản lý (sau đây gọi là “Công trình, dự án tồn đọng”).

Đồng thời, căn cứ Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 06/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện với mục đích, yêu cầu rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý của Thành phố.

Qua đó, xác định rõ trách nhiệm nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan đơn vị thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá. Đối với những nội dung công việc thuộc thẩm quyền, chủ động có giải pháp xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, đồng thời bố trí, huy động các nguồn lực để triển khai nhanh các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, chậm tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả mục tiêu dự án. Bố trí sử dụng hiệu quả các công trình công sở, trụ sở trên địa bàn, nhất là đối với các công trình công sở, trụ sở sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Đối với nội dung vượt thẩm quyền, khẩn trương rà soát, báo cáo rõ nội dung vướng mắc về cơ chế chính sách, về quy định pháp luật; đề xuất giải pháp xử lý, cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo kịp thời.

Xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan.

Căn cứ chỉ đạo nêu trên và rà soát thực tế xử lý các công trình, dự án tồn đọng trên địa bàn Thành phố, các sở, ban, ngành tập trung rà soát 5 nhóm. Cụ thể, nhóm 1: Các dự án đầu tư, bao gồm các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Nhóm 2: Các tài sản công bao gồm trụ sở, công sở của các cơ quan, đơn vị hoặc các tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nhóm 3: Các tài sản, dự án đầu tư của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND TP hoặc của doanh nghiệp có phần vốn góp của các doanh nghiệp này; các dự án do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện, có sử dụng tài sản công để góp vốn, hết thời hạn hoạt động, gia hạn thời hạn hoạt động. Nhóm 4: Các dự án đã hoặc đang liên quan tới quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Nhóm 5: Các khu đất có diện tích lớn, vị trí đắc địa, có phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng… chưa được đưa vào sử dụng.

Theo kế hoạch, UBND Thành phố giao các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức rà soát các công trình, dự án tồn đọng. Thời hạn thực hiện đến hết ngày 20/11/2024. Đồng thời, phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối thực hiện xử lý vướng mắc. Thời gian thực hiện từ ngày 20 đến ngày 25/11/2024. Xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng hoặc nhóm công trình, dự án tồn đọng. Thời gian thực hiện từ ngày 1 đến ngày 31/12/2024. Đối với các dự án ưu tiên xử lý trong năm 2024, cần tập trung triển khai ngay các thủ tục, biện pháp cần thiết để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

UBND TP Hồ Chí Minh giao các cơ quan, đơn vị thực hiện kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc và phối hợp giải quyết vướng mắc cho tới khi có kết quả cuối cùng.

UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Thanh tra Thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan nghiên cứu chuyên đề về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, quy định pháp luật là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, gây lãng phí; báo cáo, đề xuất UBND Thành phố để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kiến nghị Trung ương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố tham mưu Chủ tịch UBND Thành phố hướng dẫn triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổ chức khen thưởng biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án này hoặc đề xuất xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để các dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực./..

V.Lê