Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng, động lực kinh tế phía Nam. Với diện tích hơn 2.095 km2, chiếm 0,63% diện tích cả nước. Dân số hơn 10 triệu người, tỉ lệ 10% dân số cả nước. Thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam, (chiếm khoảng 17% GDP cả nước, đóng góp trên 1/4 tổng thu ngân sách, khoảng 30% về tỷ trọng và tăng trưởng khu vực dịch vụ.

Hiện có 125 quốc gia vùng lãnh thổ đang đầu tư trên địa bàn. Tính đến ngày 30/10/2024, số cấp mới và điều chỉnh dự án còn hiệu lực trên địa bàn Thành phố hiện 13.391 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 58,39 tỷ đô-la Mỹ; tính lũy kế từ ngày 01/01/1988 đến ngày 30/10/2024, giá trị vốn đầu tư nước ngoài, tính chung cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt hơn 87,76 tỷ đô-la Mỹ. Nhà đầu tư đến TP có cơ hội tiếp cận lượng khách hàng rất lớn tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại Thành phố. Khách quốc tế đến Thành phố ước đạt 5 triệu lượt, (năm 2023, năm 2024 ước đạt 6 triệu), khách du lịch nội địa ước đạt 35 triệu lượt khách (năm 2023, năm 2024 dự kiến đạt 38 triệu).

Bên cạnh đó, tổng số lao động tại Thành phố đã đạt ngưỡng 5 triệu người và thu nhập bình quân đầu người/tháng vào hàng cao nhất nước, Thành phố có điều kiện về nguồn nhân lực dồi dào để thu hút, phát triển các ngành nghề thuộc các lĩnh vực, đặc biệt các ngành dịch vụ. Thành phố cũng là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước, vì vậy Thành phố là môi trường hành nghề logistics lớn nhất nước, cung cấp nhân lực logistics cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trên cơ sở đó, Thành phố xác định phải trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp nhân lực logistics cho khu vực phía Nam và cả nước.

Ngoài ra, Thành phố có đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không hiện đại, với hàng loạt hạ tầng như metro, cao tốc đang xây dựng, kinh tế phát triển mạnh mẽ, là thỏi nam châm thu hút đầu tư mạnh của đất nước và nước ngoài trong những năm qua. Đồng thời, cùng với các địa phương lận cận đã và đang khẩn trương triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông, là đòn bẩy để Thành phố kết nối tốt hơn trục hành lang trong khu vực và quốc tế.

Tuyến đường xuyên Á và các tuyến quốc lộ, cao tốc kết nối các tỉnh, thành phía Nam, Tây Nguyên của Việt Nam. Đặc biệt tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đang được triển khai đầu tư và dự kiến hoàn thành tháng 6/2026. Thành phố có tuyến đường sắt Bắc – Nam, Thành phố đã quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị và đang xây dựng tuyến Metro số 1 từ Bến Thành – Suối Tiên sẽ vận hành vào cuối năm 2024. Ngoài ra, Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước 2030.

Thành phố có Cảng Tân Cảng Cát Lái hiện là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam (Tổng diện tích Cảng: trên 120ha, Bãi Container: 1.050.000 m2, Diện tích kho 30.000 m2, Tổng chiều dài cầu tàu 1.500 m, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 7 tàu container có trọng tải 30.000 - 40.000 DWT, tương đương sức chở  trên 2.000TEUs, năng suất xếp dỡ 60 moves/h/tàu). Sản lượng hàng hoá qua cảng này chiếm khoảng 85% sản lượng hàng hóa qua các cảng phía Nam và 50% sản lượng hàng hóa qua các cảng cả nước.

Sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích 850 ha, đứng thứ hai về mặt diện tích, đứng thứ nhất về mặt công suất nhà ga Việt Nam; đang trong quá trình nâng cấp, xây dựng thêm nhà ga T3 (dự kiến hoàn thành vào 30/4/2025) với công suất 20 triệu hành khách mỗi năm; gồm 1 tầng hầm, 4 tầng nổi, tổng diện tích 112.000 m2. Nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 50 triệu hành khách mỗi năm. Ngoài ra, cách Thành phố 40km, sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cũng đang được thi công xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào khai thác trong năm 2025 với công suất cho giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm (Tổng công suất thiết kế cho sân bay này là 100 triệu hành khách/năm).

TP Hồ Chí Minh là địa phương có khối lượng hàng hóa cần vận chuyển rất lớn và nhu cầu tăng lên hàng năm, cùng với lượng phương tiện cá nhân tăng cao. Trong những năm qua, Thành phố đã tập trung, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại Thành phố.

Thành phố đã có 17 khu công nghiệp và 2 khu chế xuất đi vào hoạt động với tổng quy mô diện tích khoảng 4.000 ha. TP sở hữu Khu Công nghệ cao thành công nhất Việt Nam với quy mô khoảng 913 ha, đã thu hút nguồn vốn FDI khoảng hơn 12 tỷ USD với nhiều doanh nghiệp uy tín toàn cầu như Intel, Samsung, Nidec…Hiện nay, các khu chế xuất và công nghiệp thành phố đang có quỹ đất trống sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư là gần 350 ha; tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghiệp Hiệp Phước - giai đoạn 2, Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Khu công nghiệp Đông Nam, Khu công nghiệp Cơ Khí Ô Tô và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3. Ngoài ra, Thành phố đang hoàn thiện pháp lý để tiếp tục thu hút đầu tư vào 02 khu công nghiệp thành lập mới là Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II với tổng quy mô 668 ha. TP hiện có hạ tầng thương mại hiện đại và phát triển rộng khắp các địa bàn quận – huyện với 238 chợ, 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và 2.656 cửa hàng tiện ích.

TP có trên 314 tổ chức khoa học và công nghệ; 109 trường Đại học, Cao đẳng; 279 phòng thí nghiệm; gần 20.000 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã hình thành trên 135 nhóm nghiên cứu năng động, tham gia hợp tác quốc tế. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố ngày càng lớn mạnh với hơn 45 tổ chức hỗ trợ, gần 2000 starups, hơn 100 quỹ đầu tư, tổ chức 500 sự kiện mỗi năm.

Năm 2024, Thành phố đã thành lập thêm 03 Trung tâm, bao gồm: Trung tâm chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ Thành phố trong các thực hiện các mục tiêu chiến lược của Thành phố nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, chiếm gần 50% lượng khách quốc tế của cả nước, 1/3 lượng khách du lịch nội và 1/4 doanh thu du lịch của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế trên tất cả các phương tiện gồm đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt cùng với sự đặc trưng của nhiều kiến trúc, di sản nổi tiếng, cơ sở hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ đa dạng. Thêm vào đó, Thành phố hiện có hơn 4.000 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng, khoảng 1.280 doanh nghiệp lữ hành và 6.934 hướng dẫn viên du lịch với gần 60% là hướng dẫn viên quốc tế.

Thành phố hướng đến trung tâm công nghiệp công nghệ cao với 04 ngành công nghiệp trọng điểm hiện tại (sản xuất điện tử; hóa được, cao su, nhựa; cơ khí chính xác; chế biến thực phẩm, đồ uống); 05 ngành công nghiệp công nghệ cao mới (công nghệ sinh học; dược phẩm; tự động hóa – robotics; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao) và 06 ngành dịch vụ hỗ trợ nhiều tiềm năng (du lịch y tế; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; thương mại điện tử; y tế và chăm sóc sức khỏe; vận tải và logistics; công nghệ giáo dục)

Định hướng huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển toàn Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh. Trong đó, tập trung vào: Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; Thị trường vốn; Thị trường hàng hóa. TP tập trung phát triển ngành game trên thiết bị di động; phát triển các phần mềm với tiềm năng cao thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế số quốc gia Trung tâm phát triển phần mềm và dịch vụ cơ sở hạ tầng cao: tập trung phần mềm và dịch vụ an ninh mạng “Make in Vietnam” cho nhu cầu địa phương; tiềm năng mở rộng sang nền tảng AI và công cụ kiểm soát chất lượng phần mềm cho thị trường quốc tế Trung tâm quốc gia về hạ tầng dịch vụ điện toán đám mây: trở thành trung tâm quốc gia cho các dịch vụ điện toán đám mây và điện toán biên, được hỗ trợ bởi thế mạnh hiện có về trung tâm dữ liệu và luật lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

Với tiềm năng đó, Nhà đầu tư nước ngoài có thể vào Việt Nam trong đó có TP Hồ Chí Minh để thực hiện dự án theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; Liên doanh với công ty của Việt Nam để thành lập Công ty TNHH hoặc Cty Cổ phần,…Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể hợp tác với các nhà đầu tư trong nước theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh; mua lại phần vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp đang hoạt động. Ngoài các chính sách về đầu tư theo hình thức theo Luật Đầu tư Hợp tác công tư (PPP) bằng các hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT,...đối với các lĩnh vực hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, các doanh nghiệp nước ngoài khi thực hiện các dự án đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư năm 2020 và các quy định khác.

Đặc biệt, theo Luật Đầu tư năm 2020 thì các dự án đầu tư thuộc các nhóm sau đây được ưu đãi đầu tư: thuộc ngành nghề ưu đãi hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư, hoạt động đầu tư tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, quy mô vốn lớn trên 6000 tỷ đồng, công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo…./..

CM