Với kết quả trên, EVNHCMC hiện đang xếp thứ 53/86 công ty điện lực thuộc 37 quốc gia trên thế giới, tăng 17 hạng so với năm 2020.

Trung tâm điều khiển xa của EVNHCMC đưa vào vận hành từ năm 2017, là trung tâm điều khiển xa lưới điện phân phối đầu tiên của Việt Nam.

Theo kết quả đánh giá của Tập đoàn Điện lực Singapore, đứng đầu bảng xếp hạng năm nay là công ty điện lực Enedis của Pháp. Tập đoàn TEPKO của Nhật đứng thứ 19, tập đoàn KEPCO của Hàn Quốc đứng thứ 41.

So với các công ty điện lực thuộc khu vực Đông Nam Á, EVNHCMC hiện đồng điểm với MEA (Thailand – đứng thứ 54), TNB (Malaysia – thứ 55), chỉ xếp sau SPGroup (Singapore – thứ 36) và xếp trên Meralco (Philippines – thứ 70), PEA (Thailand – thứ 71) và PLN (Indonesia – thứ 82).

Trong khi đó, vào năm 2020, EVNHCMC với số điểm 51,8/100 điểm xếp thứ 70/85, sau SPGroup (Singapore), TNB (Malaysia), Meralco (Philippines), MEA và PEA (Thailand) trong khu vực Đông Nam Á.

Trong bốn thập kỷ qua, việc thiết lập điểm chuẩn và mục tiêu, là công cụ để SP Group (Tập đoàn Điện lực Singapore) đạt được tiêu chuẩn độ tin cậy cao. Đó là một cách tiếp cận toàn diện để đánh giá chỉ số lưới điện thông minh (SGI) của các công ty phân phối điện.

Cụ thể, SPGroup đã thực hiện đánh giá mức độ phát triển lưới điện thông minh để so sánh giữa các công ty điện lực tiên tiến trên thế giới theo 07 lĩnh vực: giám sát và điều khiển, phân tích dữ liệu, độ tin cậy cung cấp điện, tích hợp nguồn điện phân tán, phát triển năng lượng xanh, an ninh hệ thống và dịch vụ khách hàng.

Cũng theo đánh giá của SPGroup, năm nay các công ty điện lực thuộc khu Bắc Mỹ có mức độ phát triển cao trong tất cả các lĩnh vực, ngoại trừ độ tin cậy cung cấp điện. Nhưng họ đã có những sự cải thiện đáng kể về lĩnh vực năng lượng xanh (trên 10%). Còn đối với các công ty điện lực thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Châu Âu thì có những cải thiện lớn về độ tin cậy cung cấp điện (7%) và an ninh hệ thống (10%), trong đó có EVNHCMC.

Theo cách đánh giá truyền thống thì chỉ số thời gian mất điện trung bình của hệ thống (SAIDI) và chỉ số tần suất mất điện trung bình của hệ thống (SAIFI) được sử dụng làm các chỉ số đánh giá độ tin cậy trong việc cung cấp điện. Tuy nhiên, đối với lưới điện thông minh thì độ tin cậy của nguồn cung cấp chỉ là một trong các chỉ số để xem xét đánh giá. Tích hợp các nguồn năng lượng phân tán, cải thiện khả năng phục hồi của lưới điện trước các mối đe dọa lưới điện, giao tiếp với thiết bị sau công tơ và cho phép trào lưu công suất đa chiều là một số thách thức mà các công ty điện lực phải đối mặt. Chỉ số độ tin cậy không còn đủ để đo lường hiệu suất và khả năng của lưới điện.

Nắm bắt xu hướng phát triển lưới điện trên thế giới, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng Lưới điện thông minh từ năm 2016 để nâng cao năng lực cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng về chất và lượng của khách hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Với kết quả đánh giá năm 2021 về lưới điện thông minh đã phản ánh nỗ lực rất lớn của EVNHCMC trong giai đoạn khó khăn vì đại dịch COVID-19, đồng thời khẳng định quan điểm phát triển đúng hướng để hệ thống điện TP Hồ Chí Minh ngày càng tiệm cận lưới điện hiện đại của thế giới./..

PV