Một góc TP Thủ Đức. (Ảnh: BXD)

Bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm tài chính, TP Thủ Đức đang dần hình thành được nguồn nhân lực tiên tiến, tăng cường kết nối để tạo cơ hội mới, cân bằng phát triển với môi trường thiên nhiên, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thông minh; xây dựng và phát triển TP Thủ Đức trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh – hiện đại -nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững.

Thành phố đã đặt ra những mục tiêu và định hướng rõ ràng trong tương lai, đó là đẩy mạnh phát triển 9 ngành dịch vụ; đa dạng các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại kết hợp du lịch mua sắm, phát triển nhanh thương mại điện tử, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong nước mở rộng thị trường bán lẻ; phát triển mạnh thị trường tài chính, hiện đại hóa hệ thống thanh toán, hướng đến áp dụng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; quan tâm phát triển, khai thác tốt dịch vụ cảng, vận tải đa phương thức, xây dựng hệ thống kho bãi hiện đại; hoàn thiện dịch vụ hậu cần hàng hải và xuất – nhập khẩu. Thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và văn minh.

Thành phố cũng tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên cơ sở xác định chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của một số sản phẩm lợi thế của thành phố, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích đầu tư trang thiết bị có công nghệ tiên tiến, công nghiệp sạch, tiết kiệm, từng bước hiện đại hóa các ngành sản xuất công nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị tăng cao, an toàn của khu vực; xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện để thu hút đầu tư gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, Thủ Đức tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, thuận lợi, ổn định, tự do, sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng các quy trình liên thông để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, kiên quyết xử lý các cán bộ gây phiền hà cho doanh nghiệp. Chủ động và có giải pháp tổng thể trong quá trình hội nhập, thực hiện chính sách thương mại từ các Hiệp định quốc tế.

Đường giao thông TP Thủ Đức. (Ảnh: TCDLTPHCM)

Ngoài ra, Thành phố còn phát huy vai trò động lực của địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Phối hợp thực hiện thống nhất quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, quản lý, sử dụng nguồn nước, bảo vệ môi trường, phân bổ lực lượng sản xuất, phân bổ dân cư, đào tạo nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động toàn vùng; phát triển TP Thủ Đức thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực.

Với những định hướng phát triển trên, đến năm 2025, Uỷ ban Nhân dân TP Thủ Đức sẽ phấn đấu hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch chung của Thành phố, từng bước quy hoạch, chuẩn bị nguồn lực, đất đai, đầu tư phát triển 08 khu đô thị, gồm:

Khu Công nghệ cao – Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học: sẽ tiếp tục nâng cấp mở rộng với các hoạt động nghiên cứu phát triển, tự động hóa sản xuất, thiết kế đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mang tính đột phá, trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương.

Đại học Quốc gia TP.HCM – Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục là một quần thể giáo dục đào tạo và khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc tăng cường hợp tác với nhiều ngành công nghiệp sáng tạo khác nhau và giao lưu trao đổi ý tưởng.

Khu Thủ Thiêm – Trung tâm công nghệ tài chính: đây là vị trí lý tưởng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo về công nghệ tài chính trong cự ly gần đến trung tâm hiện hữu thành phố.

Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc – Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc: được quy hoạch về phát triển thể dục thể thao và chăm sóc sức khỏe, hình thành một cộng đồng toàn diện, chất lượng sống cao. Đây sẽ là một trong các lợi thế cạnh tranh giúp TP.HCM trở nên khác biệt với các đô thị trong Vùng, thu hút người lao động có thu nhập cao chọn địa điểm sinh sống tại TP.HCM.

Khu Tam Đa, Long Phước – Trung tâm công nghệ sinh thái: tận dụng các điều kiện tự nhiên của khu vực để thúc đẩy du lịch sinh thái, đặt ga đường sắt cấp vùng và trung tâm quảng bá, chế biến thực phẩm để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực cũng như nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực.

Khu Trường Thọ – Khu đô thị sáng tạo: tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị” tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật và sẽ là nơi áp dụng công nghệ mới nhất của Đô thị sáng tạo.

Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Cát Lái – Phú Hữu: tiếp tục phát huy thế mạnh của cảng Cát Lái, chuyển đổi công nghệ Cảng để hoạt động hiệu quả hơn.

Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam: tất cả các khu vực được phép xây dựng công trình tại 03 quận phía Đông sẽ thực hiện quản lý linh hoạt cho phép tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.

Các khu đô thị nói trên sẽ được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo để TP Thủ Đức từng bước theo lộ trình để trở thành “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cũng như tạo động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững nhằm thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy cho việc thực hiện mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân TP Hồ Chí Minh nói chung và TP Thủ Đức nói riêng.

Được biết, thời gian qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã tập trung lãnh đạo hoàn thành nhiều nội dung quan trọng, để xây dựng và phát triển TP theo định hướng đề ra, chủ động tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ và cơ chế phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng TP Thủ Đức trở thành “Đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh - hiện đại - nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững”.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho hay, TP Thủ Đức đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn và xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thường trực Uỷ ban Nhân dân TP Thủ Đức chủ trì, chỉ đạo các phòng, ban liên quan phân tích làm rõ những nội dung khó khăn, vướng mắc, nội dung nào thuộc thẩm quyền TP Thủ Đức, nội dung nào cần đề xuất cấp trên tháo gỡ để đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch./..

PV(t/h)