|
Ảnh minh họa: Trung tâm kiểm soát bện tật TP Hồ Chí Minh |
Theo đó, đầu tiên, về quy trình xét nghiệm, phát hiện và chăm sóc sức khoẻ các trường hợp F0 mới phát hiện trên địa bàn phường, xã, thị trấn, trong những ngày tới, Thành phố sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng nhưng phải đảm bảo yêu cầu giãn cách trong quá trình thực hiện. Các đội xét nghiệm của quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ thực hiện lấy mẫu tại các địa bàn phường, xã, thị trấn.
Đợt xét nghiệm tầm soát này sẽ tăng cường làm xét nghiệm test nhanh, điểm mới là hướng dẫn cho người dân tự làm xét nghiệm nhanh (đối với các hộ gia đình có thể thực hiện được). Những trường hợp có kết quả test nhanh dương tính được xem là F0 nếu đủ điều kiện thì thực hiện cách ly tại nhà, nếu cần nhập viện phải làm xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
Ngay khi có kết quả xét nghiệm, Trung tâm Y tế quận, huyện phải thông báo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn danh sách các trường hợp F0 để phân công các trạm y tế lập danh sách F0 cần được quản lý và chăm sóc sức khoẻ.
Khi có được danh sách F0 trên địa bàn được phân công quản lý, Trạm y tế cùng Tổ COVID-19 cộng đồng bổ sung địa chỉ nhà và số điện thoại của từng trường hợp F0 để nhân viên y tế đến nhà thăm khám và cung cấp gói thuốc điểu trị, cho người F0 uống ngay liều thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2 và uống liều thuốc kháng đông và kháng viêm nếu có chỉ định. Đồng thời, sàng lọc đủ điều kiện cách ly tại nhà hay không, nếu không đủ thì cách lỵ tập trung tại các cơ sở cách ly của phường, xã hoặc quận, huyện.
Thứ hai, triển khai các Trạm Y tế lưu động trên địa bàn phường, xã, thị trấn để tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân và chăm sóc, điều trị các trường hợp F0 tại nhà.
Dự kiến mỗi Trạm Y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 đến 100 người F0. Theo kế hoạch, có khoảng 400 Trạm Y tế lưu động sẽ được thành lập và đi vào hoạt động trước ngày 24/8/2021 (giai đoạn 1) và trước ngày 27/8/2021 (giai đoạn 2).
Các Trạm Y tế lưu động lập danh sách và số điện thoại của những người F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn, thường xuyên điện thoại để nắm bắt tình hình sức khỏe người F0; Tổ chức thăm khám trực tiếp và hướng dẫn điều trị tại nhà bằng gói chăm sóc sức khỏe cho người F0; mỗi Trạm Y tế lưu động có ít nhất 01 bác sĩ, 02 - 03 điều dưỡng; 03 - 04 nhân sự khác (Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ Thập đỏ, nhà thuốc tư nhân hoặc huy động người F0 đã khỏi bệnh, có nguyện vọng chăm sóc người F0).
Các Trạm sẽ được trang bị tối thiểu 02 bình oxy lớn phục vụ tại trạm và 02 bình oxy nhỏ để mang đến nhà người bệnh, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, test kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác. Danh mục thuốc sử dụng tại Trạm gồm: túi thuốc cấp cứu lưu động; cơ số túi thuốc chăm sóc tại nhà cho người F0, cơ số thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác.
Thứ ba, công tác cấp cứu cho người dân trên địa bàn phường, xã, thị trấn trong thời gian giãn cách.
Triển khai các Tổ phản ứng nhanh để kịp thời cấp cứu tại nhà và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất để điều trị, đồng thời liên hệ đường dây nóng của Tổ điều phối chuyển viện cấp cứu để được hướng dẫn chuyển đến bệnh viện phù hợp.
Tổ phản ứng nhanh có nhiệm vụ cho người bệnh thở oxy tại nhà, sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm dạng uống trong khi chờ chuyển đến cơ sở điều trị.
Đối với người bệnh có triệu chứng nhẹ, không cần can thiệp cấp cứu thì đưa người bệnh về cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn phường, xã, thị trấn hoặc quận, huyện. Đối với người bệnh cần can thiệp cấp cứu thì thực hiện sơ cấp cứu ban đầu tại Trạm Y tế lưu động, sau đó vận chuyển người bệnh về bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện gần nhất trên địa bàn để tiếp tục xử trí.
Trường hợp người dân gặp các tình huống khẩn cấp tại nhà cần được cấp cứu thì liên hệ tổng đài “115" để được hỗ trợ.
Thứ tư, chuyển người F0 đang cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn phường, xã, thị trấn, quận, huyện khi có tình trạng quá tải.
Khi các khu cách ly địa bàn TP Thủ Đức, quận, huyện có tình trạng quá tải cần liên hệ ngay các bệnh viện dã chiến của Thành phố để chuyển người cách ly F0 trên địa bàn theo sự phân công của Sở Y tế.
Trường hợp gặp khó khăn trong vấn đề chuyển viện thì liên hệ Tổ điều phối chuyển viện của Sở Y tế để được hỗ trợ giải quyết (đường dây nóng của Tổ điều phối: 0989.401.155).
Thứ năm, tình huống có trường hợp F0 hoặc nghi ngờ F0 tử vong tại nhà
Trong trường hợp này, người dân liên hệ UBND phường, xã để được hỗ trợ gọi đường dây nóng cho lực lượng chức năng được phân công nhiệm vụ đến nhà xử lý./.