Chiều 16/8, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ.
Chủ trì tại điểm cầu Thành ủy TP Hồ Chí Minh có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Tại điểm cầu UBND TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh chủ trì.
3 giai đoạn với từng mục tiêu cụ thể
UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Kế hoạch số 2715/KH-UBND của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh; nhằm tăng cường triệt để kiểm soát dịch bệnh COVID-19, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Văn bản số 2718 về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP Hồ Chí Minh để quyết liệt kiểm soát phòng chống dịch.
TP Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố trước ngày 15/9/2021. Theo đó, Thành phố đưa ra các nhiệm vụ cụ thể với 3 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn từ ngày 15 đến 22/8, TP Hồ Chí Minh quyết tâm kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận điều trị; xác định chiến lược chuyển “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng xanh” và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn.
Giai đoạn từ ngày 23 đến 31/8, Thành phố mở rộng "vùng xanh", phấn đấu kiểm soát dịch tại các địa bàn cụ thể như: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà bè, Phú Nhuận, quận 5, 7, 11.
Giai đoạn từ ngày 1 đến 15/9, Thành phố tiến đến duy trì và kiểm soát ca mắc trong cộng đồng. Số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày, số nhập viện dưới 2.000 người/ngày. Đồng thời, phấn đấu đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 và 15% dân số được tiêm mũi 2.
Về điều trị, Thành phố tập trung thực hiện hiệu quả 2 trụ cột là chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện. Các trường hợp F0 đang theo dõi, chăm sóc tại nhà phải đảm bảo 3 yêu cầu: Xét nghiệm tại nhà; “túi thuốc điều trị” tại nhà; an sinh tại nhà.
Quy trình chăm sóc F0 tại nhà, vận hành hiệu quả tổ phản ứng nhanh tại phường, xã, thị trấn theo nhóm hộ gia đình để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh có triệu chứng hoặc chuyển cấp cứu; xây dựng mạng lưới tình nguyện chăm sóc, tư vấn F0 tại nhà.
Đối với việc điều trị tại bệnh viện, Thành phố điều chỉnh phân tầng điều trị còn 3 tầng; huy động tất cả bệnh viện công lập, tư nhân tham gia điều trị.
Về an sinh xã hội, Thành phố đã triển khai hoạt động Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn, thí điểm tại quận 5, 7 và 12.
Thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ thứ 2, chuẩn bị 1 triệu túi an sinh để sẵn sàng hỗ trợ người dân khó khăn…
Tại hội nghị, lãnh đạo một số quận huyện và TP Thủ Đức khẳng định quyết tâm đến 30/8 sẽ kiểm soát được dịch, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin đạt từ 50-100% dân số địa bàn.
Mong người dân chung sức, đồng lòng cùng chính quyền Thành phố chống dịch
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, trước đây số ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày chủ yếu trong khu phong tỏa, nhưng những ngày gần đây, số lượng F0 mới trong cộng đồng có xu hướng tăng lên. Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các quận huyện phải thực hiện nghiêm đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt là ở các khu phong tỏa; cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin; sớm cụ thể hóa Nghị quyết 86 trên từng tổ dân phố, phường, xã. Đặc biệt, người đứng đầu chính quyền Thành phố nhấn mạnh, các địa phương cần chủ động thống kê đầy đủ người dân khó khăn để kịp thời hỗ trợ, không được bỏ sót người nào.
Cuộc sống của người dân sẽ gặp nhiều xáo trộn và khó khăn khi Thành phố tiếp tục giãn cách, Chủ tịch UBND Thành phố mong bà con thông cảm và cùng cố gắng. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong kêu gọi: “Thành phố mong Nhân dân vững tin, đoàn kết, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định chống dịch, để không phụ sự vất vả của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch. Gửi gắm tất cả niềm tin nơi cán bộ, đảng viên, các ngành, các cấp và nhất là hệ thống chính trị cơ sở với trách nhiệm của mình, cùng cam kết với quyết tâm chính trị cao nhất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống dịch đã đề ra”.
Triển khai gói hỗ trợ phải theo dõi kĩ xem có tới tay từng người hay không?
Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm và kịp thời chỉ đạo sâu sát, toàn diện để Thành phố yên tâm “chiến đấu” với dịch bệnh.
Đồng chí cho biết ngày hôm kia (14/8), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gọi điện chia sẻ mối quan tâm của mình đối với tình hình dịch bệnh tại Thành phố. Tổng bí thư gửi lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hoan nghênh đồng bào và Đảng bộ TP Hồ Chí Minh hơn 2 tháng qua đã kiên cường ứng phó với dịch bệnh.
“Tuy chưa đạt như mong muốn như kế hoạch đưa ra nhưng có thể nói rằng từng bước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã hạn chế được lây lan, mở rộng vùng xanh, thu hẹp điểm phong tỏa, chữa bệnh hàng chục ngàn người và cứu hàng ngàn người”, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ lại đánh giá của Tổng bí thư về những nỗ lực của TP Hồ Chí Minh.
Để kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn TP Hồ Chí Minh “Đã cố gắng thì cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết thì đoàn kết hơn nữa và đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa”; tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa tình…
Cho rằng, việc thực hiện giãn cách xã hội hiện nay một số nơi chưa triệt để, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị cần phải phát huy mô hình người dân tự quản, trong đó lực lượng chính trị cơ sở là nòng cốt, kết hợp với nâng cao ý thức tự giác của từng khu phố, con hẻm.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu tiếp tục nâng cao công tác xét nghiệm, sẵn sàng các biện pháp ứng phó, quản lý khi ghi nhận ca F0 trong cộng đồng; đồng thời nâng cao chất lượng điều trị, có trung tâm điều phối, không để xảy ra tình huống người dân “có bệnh mà không có nơi đến, không được cứu chữa”.
Đồng chí cũng nhắc nhở các địa phương triển khai gói an sinh xã hội phải phải theo dõi kĩ xem có tới tay từng người hay không đồng thời phải có người chịu trách nhiệm.
Đồng chí Bí thư Thành ủy nhận định công việc trong một tháng tới rất cấp bách, nghiêm trọng và là sứ mệnh nặng nề. "Dịch kéo dài mấy tháng rồi, chúng ta ai cũng thèm một ngày không COVID-19 lắm nên phải cùng nhau cố gắng hết sức để vượt qua. Cuộc chiến này còn 30 ngày nữa và chỉ có một con đường để vượt qua nó", đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ với lãnh đạo các quận huyện, sở ngành./..