Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại TP. (Ảnh: Đan Như)

Tính từ 17g ngày 27/9 đến 17g ngày 28/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 377 trường hợp nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 376.171 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

Ngoài ra, trong 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh thực hiện xét nghiệm tầm soát cộng đồng bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên tại vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, kết quả ghi nhận 3.417 trường hợp dương tính với test kháng nguyên nhanh.

Trưa ngày 28/9, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo tạm thời ngưng tiêm vắc xin của Pfizer lô FK0112 trong khi chờ ý kiến đánh giá chuyên môn về một trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin của Pfizer mới được ghi nhận.

Ngay đầu giờ chiều ngày 28/9, Sở Y tế đã khẩn trương tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin. Qua cuộc họp, kết luận ban đầu của các chuyên gia là không ghi nhận bằng chứng tử vong liên quan đến chất lượng vắc xin; nguyên nhân tử vong cần chờ kết quả giám định pháp y.

Từ kết luận này, ngay trong chiều cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đã thông báo các đơn vị tiếp tục sử dụng vắc xin của Pfizer để tiêm chủng cho người dân.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản yêu cầu các bệnh viện tư không được từ chối hoặc yêu cầu người mắc COVID-19 ký cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí; yêu cầu người bệnh không sử dụng ngân sách, thẻ bảo hiểm y tế và không được thu thêm chi phí điều trị bệnh COVID-19 của người bệnh. Các chi phí khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách (tiền phòng, tiền ăn, các dịch vụ tiện ích tăng thêm khác theo yêu cầu của người bệnh, ...) được thu theo mức giá thỏa thuận giữa bệnh viện với người bệnh, nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế.

Hiện nay, công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục được thực hiện để tăng độ bao phủ, tăng tỷ lệ miễn dịch, giúp Thành phố dần nới lỏng giãn cách, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi được tiêm vắc-xin, người dân cần tiếp tục thực hiện thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người tại nơi công cộng và cả trong không gian làm việc để đảm bảo an toàn trước đại dịch COVID-19.

Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản về việc tổ chức đón người dân Bình Thuận từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trở về tỉnh và thực hiện cách ly tập trung đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, dự kiến ngày 2/10 sẽ đón 500 người từ TP Hồ Chí Minh, gồm người đi khám chữa bệnh, nuôi bệnh; học sinh, sinh viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; phụ nữ mang thai, … Ngày 8/10 sẽ đón 450 người ở Bình Dương và ngày 15/10 sẽ đón 450 người tại tỉnh Đồng Nai về Bình Thuận./.

PV