Tiếp tục chuyến công tác tại vùng tâm dịch COVID-19, ngày 30/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh. Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo, của đồng chí Tổng Bí thư, chia sẻ những khó khăn, vất vả của TP Hồ Chí Minh trong việc phòng, chống dịch.
Thành phố có thể sẽ tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, sau ngày 1/8
|
|
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Báo cáo trước đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến nay TP Hồ Chí Minh đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16.
Trong 19 ngày thực hiện Chỉ thị 16, bình quân mỗi ngày TP Hồ Chí Minh phát hiện hơn 3.300 ca mắc, trong đó phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa. TP Hồ Chí Minh đã điều trị khỏi gần 25.200 bệnh nhân, hiện đang điều trị hơn 36.700 bệnh nhân, trong đó có hơn 875 bệnh nhân đang thở máy và 8 bệnh nhân đang can thiệp ECMO. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã điều trị khỏi cho 381 bệnh nhân từ nặng, rất nặng sang nhẹ.
Hiện, Thành phố đã thành lập 38 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng, với 46.000 giường, với tầng 5 là nặng và rất nặng – hiện đang điều trị 570 bệnh nhân.
Về tiêm vắc-xin đợt 5, kể từ ngày 22/7 đến nay Thành phố đã tiêm được hơn 390.000 liều, lũy kế đến nay đã tiêm được 1,3 triệu lượt. TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh sản xuất an toàn theo mô hình 3 tại chỗ, với 2.038 doanh nghiệp thực hiện với 100.000 lao động.
Với nỗ lực tập trung hỗ trợ 6 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thành phố đã hỗ trợ được 496.000 đối tượng với số tiền 572 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ lao động tự do đạt 100%. Cùng với đó, các địa phương cũng hỗ trợ 334 tỷ đồng từ nguồn vận động.
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thành Phong, hiện nay, dù tốc độ đã có sự chậm lại, tuy nhiên, con số tuyệt đối ca mắc hàng ngày vẫn lớn do dịch đã lây lan sâu vào cộng đồng. Do đó để kiểm soát được dịch có thể mất hàng tháng, nên có thể Thành phố sẽ tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, sau ngày 1/8.
Đề cập đến một số biện pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo thực thi triệt để các biện pháp siết chặt Chỉ thị 16, đặc biệt là từ sau 6 giờ sáng đến 18 giờ. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung điều trị F0 nặng có bệnh nền, sắp xếp, phân bổ lại nguồn lực y tế cho phù hợp, chế thấp nhất tử vong.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng báo cáo với Chủ tịch nước, Thành phố sẽ đưa vào vận hành 200 taxi chuyển công năng và 100 xe cứu thương. Thành lập 4 trung tâm cấp cứu vệ tinh ở các Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 12 để điều phối nhanh chóng bệnh nhân.
Thành phố đảm bảo hàng hóa, phân phối hàng hóa bằng nhiều hình thức; chăm lo cho người khó khăn, đảm bảo không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị bỏ lại phía sau do dịch bệnh.
Tăng cường công tác an sinh xã hội, chăm lo hỗ trợ người nghèo, không được để ai phải thiếu, đói
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cho rằng với đặc thù quy mô hơn 10 triệu dân như TP Hồ Chí Minh, việc chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Chủ tịch nước biểu dương lãnh đạo, hệ thống chính trị Thành phố đã có những quyết định kịp thời, đa dạng, phong phú để phòng, chống dịch bệnh, kịp thời thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kịp thời xây dựng 16 bệnh viện dã chiến với quy mô lớn, tổng số lên đến gần 50 nghìn giường bệnh.
Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng tuyến đầu TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước đánh giá cao các địa phương, các bộ, ngành đã quan tâm hỗ trợ thành phố trong thời gian qua, trong đó đến nay đã có 10 nghìn cán bộ y tế, sinh viên ngành y dược vào thành phố hỗ trợ chống dịch. Những hình ảnh người dân cả nước chia sẻ từng mớ rau, quả trứng, cân gạo cho thành phố và người dân khu vực phía Nam, nói lên tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng, thể hiện văn hóa truyền thống của người Việt Nam ta.
Về tình hình dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch nước nhìn nhận biến thể Delta rất phức tạp, đang gây nguy hiểm cho nhiều nước trên thế giới, trong đó nhất là những nơi có mật độ dân số cao như TP Hồ Chí Minh. Do đó, mục tiêu trước hết, trên hết và quan trọng nhất vào thời điểm này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, giảm tối đa số ca tử vong do COVID-19.
Người đứng đầu Nhà nước cho biết các quyết sách, chỉ đạo đã đủ, đã rõ nhưng quan trọng nhất là thực hiện; đồng thời đề nghị TP Hồ Chí Minh cần rút kinh nghiệm sâu sắc khi đường phố vẫn còn đông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Chủ tịch nước cũng đồng tình với đề xuất kéo dài thời gian giãn cách xã hội của TP Hồ Chí Minh và đánh giá quyết định này là cần thiết.
Trước những khó khăn mà người dân gặp phải do tác động của dịch bệnh, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố cần tăng cường công tác an sinh xã hội, chăm lo hỗ trợ người nghèo, không được để người dân thiếu cùng cực, đảm bảo điện, nước, viễn thông, đảm bảo an ninh, trật tự cho người dân.
Về công tác điều trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phải chú trọng, nâng cao công tác điều trị, không chỉ với bệnh nhân mắc COVID-19 mà còn cả với các bệnh khác. Đối với điều trị các ca nặng cần chủ động không để thiếu máy thở, thiếu ô xy trong bệnh viện đồng thời quản lý chặt chẽ F1 và F0 không triệu chứng tại nhà.
Về vấn đề vắc xin, Chủ tịch nước yêu cầu TP Hồ Chí Minh cần triển khai nhanh, nếu chậm là có lỗi với Nhân dân, tận dụng thời gian giãn cách xã hội để đẩy nhanh tiêm chủng, đảm bảo an toàn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP Hồ Chí Minh nâng cao công tác khen thưởng, kỷ luật đảm bảo kịp thời, nghiêm minh; chú trọng công tác thông tin truyền thông, vận động người dân chung tay chống dịch; chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với TP Hồ Chí Minh, đoàn công tác do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã tặng TP Hồ Chí Minh 103 tỉ đồng và 30 máy thở./..