TP.HCM sẽ là trung tâm kinh tế lớn nhất nước; là đô thị hạt nhân của cả vùng.

Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trên thế giới và Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương mà nhiều nhà đầu tư tìm đến với mong muốn đầu tư kinh doanh nhiều nhất tại Việt Nam. Bởi Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế và là cửa ngõ giao thương quan trọng với các nước trong khu vực và thế giới.

Về vị trí địa lý, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam; nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 2.095 km2, chiếm 0,63% diện tích cả nước và dân số khoảng 10 triệu người, chiếm hơn 9,44% dân số Việt Nam. Đồng thời, đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh trong vùng và trở thành một cửa ngõ quốc tế quan trọng với tuyến đường Xuyên Á từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Thủ đô Phnom Penh, Campuchia chỉ mất 1,5 giờ đi ô tô (tương đương 70 km).

Thành phố Hồ Chí Minh có bờ biển dài 23 km tại huyện Cần Giờ, cách Trung tâm Thành phố khoảng 50km, có tiềm năng phát triển kinh tế biển, thích hợp phát triển các ngành, lĩnh vực như đô thị biển, cảng biển, du lịch biển, năng lượng tái tạo. Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp hơn 22% tổng sản phẩm quốc nội GRDP, 27% tổng thu ngân sách quốc gia, chiếm 12,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và 17,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước; chiếm tỷ trọng 15% giá trị công nghiệp và 33% giá trị dịch vụ cả nước; năng suất lao động của Thành phố cao gấp 2,6 lần năng suất bình quân của cả nước. Hiện, Thành phố có hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến hết tháng 10/2023, trên địa bàn Thành phố hiện nay có 12.218 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt hơn 82,19 tỷ đôla Mỹ.

Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, giúp thành phố trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa ra các khu vực trong và ngoài nước. Thành phố có cả 4 phương tiện:

Đường bộ: Có tuyến đường xuyên Á và các tuyến quốc lộ, cao tốc kết nối với các tỉnh, thành phía Nam, Tây Nguyên của Việt Nam. Đặc biệt tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đang được triển khai đầu tư và dự kiến hoàn thành tháng 6/2026.

Đường hàng không: có Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lớn nhất Việt Nam với trung bình từ 750 đến 800  chuyến bay đến và đi mỗi ngày từ các hãng hàng không của các quốc gia; mỗi năm phục vụ gần 40 triệu lượt khách và hơn 500.000 tấn hàng hóa.

Đường thủy: Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu nhiều Cảng quốc tế và nội địa. Hiện nay Cảng Cát Lái của Thành phố là cảng lớn nhất cả nước với công suất 6,4 triệu TEUs/năm. Sản lượng hàng hoá qua cảng này chiếm khoảng 85% sản lượng hàng hóa qua các cảng phía Nam và 50% sản lượng hàng hóa qua các cảng cả nước.

Đường sắt: Thành phố là đầu mối giao thông quan trọng ở miền Nam trong mạng lưới đường sắt Bắc – Nam với Ga Sài Gòn chính là điểm tập kết của hành khách và hàng hóa từ miền Nam xuất phát đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc và ngược lại. Về đường sắt đô thị, Thành phố đã quy hoạch 8 tuyến và đang xây dựng tuyến Metro số 1 (từ Bến Thành – Suối Tiên) sẽ vận hành vào năm 2024.

Bên cạnh đó, về hạ tầng công nghiệp, Thành phố hiện có 14 khu công nghiệp và 3 khu chế xuất đang hoạt động với tổng diện tích gần 4.130 ha. Thành phố cũng sở hữu Khu Công nghệ cao thành công nhất Việt Nam với quy mô khoảng 913 ha, đã thu hút nguồn vốn FDI khoảng 12 tỷ USD với nhiều doanh nghiệp uy tín toàn cầu như Intel, Samsung, Nidec. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát triển các khu công nghiệp, theo quy hoạch sẽ có 23 KCN-KCX với tổng diện tích khoảng 6.000 ha và 03 địa điểm thu hút đầu tư là:Khu công nghiệp Phạm Văn Hai  diện tích 678 ha, Khu công nghiệp Hiệp Phước hơn 1.100 ha, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng 120 ha.

Đặc biệt, về hạ tầng thương mại, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hạ tầng thương mại hiện đại và phát triển rộng khắp các địa bàn quận – huyện với 238 chợ, 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và 2.656 cửa hàng tiện ích. Thành phố có thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn với số dân hơn 10 triệu người, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 hơn 6.700 USD/năm, cao gấp gần 1,6 lần so với thu nhập bình quân cả nước nước; mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 14.500 USD/năm.

Trước thời điểm xảy ra đại dich COVID-19, năm 2019 Thành phố Hồ Chí Minh đón hơn 8,6 triệu du khách quốc tế, chiếm gần 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và hơn 32 triệu lượt khách du lịch nội địa, chiếm gần 1/3 lượng khách du lịch nội địa của cả nước. Có thể khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, Thành phố có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao. Hiện nay, hơn 50% dân số của Việt Nam trong tuổi lao động. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao với gần 5 triệu lao động được đào tạo, đây là nguồn nhân lực đủ lớn để hỗ trợ Thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ của Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh có trên 314 tổ chức khoa học và công nghệ; 109 trường Đại học, Cao đẳng; 279 phòng thí nghiệm; gần 20.000 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã hình thành trên 135 nhóm nghiên cứu năng động, tham gia hợp tác quốc tế.

Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tinh hoa từ nhiều nền văn hóa khác nhau, không ngừng đổi mới và hội nhập vào dòng chảy văn hóa thế giới đã tạo nên bản sắc riêng có của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi có chất lượng cuộc sống tốt, với khoảng hơn 200.000 người nước ngoài đến từ các châu lục hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố.

Chia sẻ về cơ hội đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh trong Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam năm 2023 tổ chức vào ngày 21/11 tại Thành phố, Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, hiện nay, Thành phố nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư. Cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định. Cấp mới dự án đầu tư còn 10 ngày so với 15 ngày, điều chỉnh dự án còn 7 ngày so với 10 ngày, thông báo góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp còn 10 ngày so với 15 ngày, nộp trực tuyến được giảm còn 8 ngày.

Bà Hồ Thị Quyên cho rằng, Thành phố luôn tích cực thực hiện đơn giản hóa và công khai quy trình đối với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý thủ tục đầu tư; giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, hải quan nhờ áp dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nước ngoài luôn được Chính quyền Thành phố quan tâm thực hiện thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp được tổ chức định kỳ giữa Chính quyền thành phố và các Doanh nghiệp FDI theo nhiều hình thức khách nhau.

Bà Hồ Thị Quyên thông tin, hiện Thành phố đang áp dụng 4 các hình thức ưu đãi chính cho nhà đầu tư nước ngoài: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm thuế 10% trong thời hạn 15 năm, hoặc không quá 30 năm; Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất; Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất. Thành phố sẽ miễn giảm tiền thuê trong thời gian xây dựng cơ bản trong vòng 3 năm, đồng thời miễn sau thời gian xây dựng từ 15 năm đến 19 năm tùy từng loại dự án; ưu đãi Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Trong đó, thời gian trích khấu hao tài sản cố định từ 5 đến 20 năm với phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng.

Bà Hồ Thị Quyên nhấn mạnh, việc được Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với kỳ vọng rằng các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế xã hội của Thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, cụ thể: Thành phố được thí điểm mô hình đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Đây là mô hình định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch, phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư; Thành phố được áp dụng loại hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) đối với các dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu; Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo và văn hóa-thể thao

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố là đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên (tương đương 125 triệu đô la);

Tiếp đó, đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên( tương đương 1.250 triệu đô la);

Cuối cùng, đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên (tương đương (2.083) triệu đô la./.

 

Chi Mai