Tiếp nhận Cờ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân để trưng bày tại Bảo tàng.

Theo đó, các nhân chứng lịch sử gồm: Ông Huỳnh Văn Cấn (Tư Trung) nhân vật Đực (Thành Lộc thủ vai) trong Điểm hẹn vùng ven-Trưởng ban liên lạc Biệt động cánh Tây Nam; Bà Lại Thị Kim Túy (Sáu Túy)-Chiến sĩ Đội biệt động Vùng 3 Phân khu 2, Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Bà Bành Thị Lệ-con gái liệt sĩ, AHLLVTND Bành Văn Trân đã trao: Cờ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bằng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đội B2 - F100 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; Cờ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bằng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huy hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đội 65 - F100 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; Bức ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời khi bị bắt cùng với phương tiện mưu sát vào ngày 11/05/1964 (gồm cuộn dây điện và chất nổ plastic cực mạnh đựng trong thùng sát); Bức ảnh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bành Văn Trân (Năm Vững); Bức ảnh Anh hùng Phạm Văn Hai (Cả Nhì).

Tiếp nhận các hiện vật lịch sử để trưng bày tại Bảo tàng.

Các nhân chứng cũng trao: Tài liệu về trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất đêm ngày 3 rạng ngày 4/12/1966; Tài liệu về trận đánh cầu Công Lý từ trưa ngày 8/5/1964 đến tối ngày 9/5/1964; Tài liệu họp mặt nhân ngày 16/02/2013 (Âm lịch) giỗ ông Phạm Văn Hai; Báo cáo đề nghi Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân biệt động Vùng 3 Phân khu 2, Quân khu Sài Gòn - Gia Định; Báo cáo đề nghị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Chính (Chính Hoàng).

Trong không khí gần gũi, ấm cúng, các nhân chứng lịch sử đã giao lưu chia sẻ những câu chuyện về các hiện vật được trao tặng. Qua đó góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập các hiện vật tại Bảo tàng và đồng thời sẽ góp phần mang những giá trị lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ ngày hôm nay, đặc biệt là nhân dịp kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975-30/04/2024).

Các nhân chứng lịch sử đã giao lưu chia sẻ những câu chuyện về các hiện vật được trao tặng.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định được cấp giấy phép hoạt động vào ngày 21/6/2023 với mục đích gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống đấu tranh anh hùng cách mạng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định và của lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh.

Với sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỷ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM - thầu khoán dinh Độc Lập).

Mỗi hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng là một câu chuyện kể sống động, gần gũi, mang đầy tính chất huyền thoại của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Hiện, Bảo tàng trưng bày 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá với hơn 300 hiện vật, tư liệu hình ảnh gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và lực lượng Biệt động Sài Gòn... Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động, gần gũi, mang đầy tính chất huyền thoại của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng mở cửa từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ hằng ngày./.


Phú Đức