Đầu tư giao thông sẽ góp phần quan trọng tạo mối liên kết phát triển vùng Đông Nam Bộ.

 

Tại Hội thảo “Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ với việc triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra vào tháng 10/2023 tại tỉnh Bình Phước, TP Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những yếu tố tạo lên sự phát triển mạnh mẽ của vùng Đông Nam Bộ là nhận thức rõ được tầm quan trọng của giao thông kết nối các địa phương trong vùng.

 Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhận định một trong những hạn chế của Vùng Đông Nam Bộ là “Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến đến sự phát triển và lan tỏa cùng vùng”. Do đó, các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ cần nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông kết nối các địa phương trong vùng, từ đường bộ, đường thủy đến đường sắt đô thị nội vùng, hướng tới liên vùng.

Ngày 18 tháng 7 năm 2023 vừa qua, tại Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng đã có phát biểu: hiện nay Thành phố đang tập trung công tác lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố, phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của toàn vùng Thành phố Hồ Chí Minh, hướng tới phát triển Thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, trung tâm tri thức sáng tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe, trung tâm du lịch, tài chính – thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.

Ở cấp độ vùng Đông Nam Bộ, về mặt quy hoạch đô thị, Thành phố được định vị là đô thị trung tâm của Vùng. Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò đầu tàu kết nối nguồn lực trong vùng, hỗ trợ chức năng là thế mạnh của các địa phương, phát triển các hành lang chiến lược, các cực tăng trưởng kinh tế trong vùng; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối giữa địa phương và

Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương và Vùng ra quốc tế, trong quy hoạch xác định các hành lang lớn về giao thông. Dựa trên các yếu tố đặc thù vùng, đặc biệt là thuận lợi về vị trí trung tâm, quy hoạch Thành phố có vai trò tích hợp, thống nhất cho hạ tầng giao thông vùng, các chức năng nòng cốt nhằm thúc đẩy, phân bổ hài hòa các khu vực Công nghiệp, Dịch vụ, kể cả Nông nghiệp; tối đa hóa với khả năng kết nối vùng lân cận và tạo ra cơ sở hạ tầng không chỉ cho Thành phố mà còn có sự phát triển tiềm năng của các khu vực xung quanh. Khi Vùng phát triển thì Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát triển và ngược lại.

Đơn cử như với tình hình giao thông hiện tại, mặc dù Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh đi lại khoảng 125km, nhưng thời gian di chuyển chiếm từ 4-5 giờ, nếu nâng cấp giao thông liên tỉnh tốt hơn, thông thoáng hơn sẽ giảm còn từ 1-2 giờ, thuận lợi hơn cho sự phát triển chung của toàn vùng và riêng 2 địa phương.

Cũng trên tinh thần đó, trong 150 nhiệm vụ đề ra tại 2 chương trình hành động cua Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW và Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, có Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đã được Thành phố hoàn thành và trình Chính phủ trong tháng 7. Theo Bộ Giao thông vận tải, về cảng biển hiện nay đã hình thành cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải vào khu bến cảng Công – te – ner Cái Mép, mà cảng Cái Mép và cảng quốc tế Cần giờ đều nằm trên sông Thị Vải. Vì vậy, phương hướng tới Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần nghiên cứu, đề xuất kết hợp cả hai thành một cảng trung chuyển quốc tế, làm cửa ngõ của Đông Nam Á, phát huy thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ trong giao thông đường thủy.

Ở cấp độ Thành phố, sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, hình thành các cửa ngõ kết nối Thành phố với Vùng và Vùng liên quan, góp phần hoàn thiện đô thị chức năng trong Vùng, mà phát triển đô thị nhất thiết phải phát triển hệ thống giao thông công cộng. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã lập tổ công tác xây dựng Đề án huy động nguồn lực, tổ chức xây dựng hoàn thành hệ thống Metro Thành phố (dài 219km) trước năm 2035, theo kết luận số 49- KL/TW của Bộ Chính trị. Thành phố cũng đã lập tổ nghiên cứu về TOD dọc các tuyến vành đai, metro thành phố nhằm phát huy tối đa nguồn nội lực địa phương từ mô hình này đem lại.

Giao thông đường thủy kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh như Bà Rịa- Vũng Tàu đã được đầu tư trong thời gian qua.

TOD là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, nôm na là mô hình kết nối đô thị dân cư với giao thông. Trong đó lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho đường sắt đô thị; tối ưu hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị nhằm kinh doanh vận tải hành khách công cộng sinh lời. Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận thuận tiện, thoải mái, an toàn của hành khách từ các không gian đô thị kiểu TOD tới các ga đường sắt đô thị và ngược lại; góp phần cải thiện điều kiện môi trường và xã hội tại địa phương. Khi thiết kế đô thị TOD, nên cố gắng bố trí hỗn hợp nhiều chức năng sử dụng đất vì như vậy sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn.

Do đó, Thành phố cũng đề xuất các tỉnh bạn trong vùng có thể cùng nghiên cứu triển khai mô hình TOD trong thời gian tới, đi đôi với việc thực hiện quy hoạch vùng sao cho các quy hoạch địa phương trong tổng vùng phải rõ, thể hiện được sự phối hợp với các địa phương để hình thành kinh tế vùng, nhất là phải phát huy tối đa khả năng của khu vực tiểu vùng trung tâm.

Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Chính phủ, các Bộ, Ban ngành nghiên cứu một số cơ chế, chính sách cho sự phát triển chung của Vùng như: (1) Thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông Vùng; (2) Thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật Vùng và xây dựng mạng lưới bệnh viện tuyến cuối của Vùng; (3) Thành lập trung tâm chuyển đổi số - đổi mới sáng tạo Vùng/quốc gia, trong đó cho cơ chế để Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng, triển khai Đề án trung tâm công nghệ 4.0; (4) Xây dựng trung tâm dữ liệu Quy hoạch và Kinh tế Xã hội Vùng; (5) Ban hành cơ chế đặc thù Vùng như cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư chiến lược; cơ chế chính sách để phân cấp – phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong Vùng… Bởi lẽ, sự phát triển kinh tế của Vùng là tiền đề quan trọng củng cố quốc phòng, an ninh tại các địa phương nội vùng và cả nước./..

 

 

Phú Đức