Lãnh đạo và đại biểu diễu hành xe đạp tuyên truyền trong Nhân dân về bảo vệ môi trường

và phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, dịch bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em.

 Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hiệu quả Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và triển khai hướng dẫn cụ thể cho cán bộ, hội viên nông dân thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện tiêu chí “Người nông dân mới Thành phố Hồ Chí Minh” phù hợp với từng đối tượng; xây dựng, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong hệ thống Hội là nơi tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chủ động đăng ký và thực hiện các nội dung làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, có ý nghĩa lan tỏa trong cộng đồng.

Đội ngũ cán bộ Hội các cấp thống nhất về tư tưởng và hành động, phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội, chất lượng các hoạt động, hội nghị, hội thi ngày càng được nâng cao về nội dung và hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành và tổ chức các hoạt động của Hội; bám sát, nắm bắt tình hình và kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống; phát huy vai trò cán bộ Hội tích cực tham gia công tác an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội ngày càng đi vào chiều sâu. Ủy ban Kiểm tra Hội Nông dân các cấp phát huy hiệu quả vai trò tham mưu tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát, chú trọng kiểm tra, giám sát theo chuyên đề đã kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm; qua kiểm tra, giám sát các cấp Hội kịp thời khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác. Việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Đề án 06-ĐA/TU “Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của Chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh” được chú trọng và triển khai đồng bộ đã tham mưu cho cấp ủy Đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn Thành phố.

Công tác hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi hoạt động hiệu quả, ứng dụng tốt khoa học, công nghệ, công nghệ sinh học trong sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của Thành phố, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường.

Công tác an sinh xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả trong chăm lo, hỗ trợ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn kinh phí vận động của Chương trình “Tết Nghĩa tình” và nguồn lực nội bộ trong hội viên nông dân thông qua mô hình “nông dân khá giúp nông dân khó”. Chương trình “Kết nối biên cương” lần đầu tiên được tổ chức nhưng đã cho thấy hiệu quả trong việc thắt chặt tình đoàn kết, lan tỏa nghĩa tình chăm lo, hỗ trợ lẫn nhau giữa nông dân Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng biên giới, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Kết quả đạt được như trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố; sự tập trung của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động Hội kịp thời, toàn diện; sự đoàn kết, phấn đấu của đội ngũ cán bộ Hội các cấp và hội viên nông dân thành phố trong thực hiện công tác Hội và các phong trào nông dân.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân Thành phố luôn tư duy, sáng tạo những giải pháp hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện phong trào Hội ở cơ sở, chủ động trong công tác phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện đạt và vượt những chỉ tiêu được giao.

Bên cạnh kết quả còn tồn tại một số hạn chế sau: Công tác quản lý hội viên thực hiện chưa chặt chẽ; một số cơ sở Hội chậm đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt nên chưa tập hợp được đông đảo hội viên vào Hội dẫn đến số lượng hội viên nông dân giảm nhiều so với số lượng phát triển mới hàng năm.

Việc nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội, kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân còn chưa kịp thời. Công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình sau tuyên dương chưa được quan tâm thực hiện tốt. Hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân tại một số đơn vị chưa đạt hiệu quả cao; việc liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân còn gặp khó khăn.

Đề án “Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh thành trong nước giai đoạn 2023 – 2025”; Đề án “Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và quảng bá hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nông sản ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2025” chưa được triển khai thực hiện. 

Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ Hội còn thiếu kinh nghiệm trong chỉ đạo và điều hành công tác nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng triển khai các hoạt động Hội và phong trào nông dân. Đa số cán bộ Hội cơ sở kiêm nhiệm nhiều chức danh, nhiệm vụ nên thời gian đầu tư cho công tác Hội và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân còn hạn chế. Vẫn còn một số cán bộ Hội chậm đổi mới, thiếu tính năng động, sáng tạo trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ.

Quá trình đô thị hóa nhanh, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được triển khai thực hiện và sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là các quy định về quản lý đất đai gây khó khăn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của nông dân; hội viên nông dân chưa an tâm để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp do tỷ lệ rủi ro cao.

Các chính sách thực hiện Chương trình khuyến nông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua vào cuối năm 2021;  Đề án “Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh thành trong nước giai đoạn 2023 – 2025”; Đề án “Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và quảng bá hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nông sản ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2025” được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt vào tháng 8/2023 nên ảnh hưởng tới tiến độ triển khai thực hiện.

Do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID – 19 đã dẫn đến chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến nền nông nghiệp và đời sống nông dân Thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội, hạn chế các hoạt động tập trung đông người để phòng chống dịch bệnh đã phần nào ảnh hưởng đến công tác Hội.

Hội viên ngày càng lớn tuổi, tham gia nhiều tổ chức Hội, Câu lạc bộ nên việc tham gia hoạt động Hội, sinh hoạt chi, tổ Hội Nông dân còn hạn chế. Đồng thời, do quá trình đô thị hóa của Thành phố, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên hội viên có xu hướng chuyển đổi ngành nghề sang phi nông nghiệp.

Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra Một số giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế như sau: 

Một là, tăng cường công tác tham mưu, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thành ủy; sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Ủy ban nhân dân Thành phố và sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang Thành phố; sự liên kết của các doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn Thành phố.

Hai là, tăng cường đoàn kết, chủ động đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội Nông dân các cấp từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội và chất lượng các phong trào nông dân; kịp thời kiện toàn tổ chức Hội; xây dựng và nâng chất các loại hình tập hợp phù hợp với điều kiện thực tiễn, định hướng phát triển của địa phương và nhu cầu của hội viên nông dân.

Ba là, tập trung thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là người đứng đầu trưởng thành qua thực tiễn công tác, có năng lực, phẩm chất, trình độ, kỹ năng, bản lĩnh, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; sâu sát cơ sở, gắn bó chặt chẽ với nông dân; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân; tổ chức tốt các phong trào góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đời sống của hội viên nông dân là động lực thu hút nông dân tham gia xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Bốn là, phát động và triển khai hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kịp thời sơ, tổng kết việc thực hiện các phong trào thi đua, tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, tập thể, cá nhân tiêu biểu và mô hình hiệu quả tạo sự lan tỏa sâu rộng trong hội viên nông dân.

Năm là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội; chủ động tham mưu Thành ủy kiểm tra, giám sát các nội dung có liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát huy dân chủ cơ sở trong tham mưu tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với cán bộ, hội viên nông dân kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân, góp phần củng cố niềm tin của nông dân với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự gắn bó của nông dân với tổ chức Hội./.


CM