Hiện nay, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã vượt qua con số 2.500 trường hợp và dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc bổ sung thêm các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc các trường hợp đang được cách ly (F1) không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (chiếm khoảng 80% các trường hợp) là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế vừa giảm tải cho các bệnh viện đã chuyển đổi công năng.
Qua nghiên cứu tính hiệu quả của mô hình hệ thống các cơ sở điều trị COVID-19 theo hình tháp 3 tầng tại tỉnh Bắc Giang đang được Bộ Y tế triển khai, Sở Y tế nhận thấy mô hình này là giải pháp phù hợp cho tình hình hiện nay trên địa bàn TP.
|
|
Hệ thống các cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình “tháp 3 tầng” . (Ảnh: Sở Y tế) |
Theo đó, tầng 1 là các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng với quy mô 5.000 giường (có thể tăng lên đến 10.000 giường nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp), tầng 2 là các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 có triệu chứng với quy mô 4.000 giường, và tầng 3 là các bệnh viện chuyên hồi sức chuyên sâu đối với các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch với quy mô 1.000 giường.
Theo mô hình này, hiện TP đã có các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch và các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 với tổng công suất là 5.000 giường. Như vậy, để đáp ứng tình hình dịch bệnh hiện nay, nhu cầu cấp bách hiện nay là cần bổ sung các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, dự kiến cần khoảng 5.000 – 10.000 giường.
Trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế xây dựng kế hoạch bổ sung các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị COVID-19 không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ với quy mô 5.000 giường, hướng đến các mục đích chính sau: Kịp thời thu dung điều trị toàn bộ số ca mắc mới phát hiện qua xét nghiệm tầm soát tại các khu nguy cơ cao trong cộng đồng và các trường hợp đang được cách ly theo dõi tại các khu cách ly tập trung (F1 chuyển sang F0); Chủ động phân loại độ nặng của bệnh để kịp thời chuyển tuyến phù hợp góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị COVID-19, tập trung điều trị cho các trường hợp bệnh nặng, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong.
Để có thể triển khai các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 với tổng công suất lên đến 5.000 giường, Sở Y tế sẽ huy động nguồn lực sẵn có, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng có khả năng tiếp nhận một số lượng lớn các trường hợp dương tính, giữ lại điều trị các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, phát hiện kịp thời các trường hợp có dấu hiệu diễn tiến nặng để chuyển lên tuyến trên điều trị.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Ngành Y tế, Bộ Tư lệnh và Ban Quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Cụ thể như sau:
Tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có trên địa bàn TP như: các ký túc xá các trường đại học, doanh trại quân đội, khu nhà ở xã hội, nhà thi đấu thể thao, khu triển lãm… để làm các cơ sở thu dung điều trị COVID-19.
Theo đó, chọn Ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An Ninh thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với quy mô 1.000 giường trở thành “Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1” và Ký túc xá Khu A của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh với quy mô 5.000 giường trở thành “Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2”.
Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 đi vào hoạt động vào ngày 26/6. Tùy tình hình số ca mắc mới, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2 sẽ sẵng sàng đi vào hoạt động khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.
Về nhân lực công tác tại các bệnh viện dã chiến, Sở Y tế sẽ luân phiên bác sĩ và điều dưỡng từ các bệnh viện công lập. Giai đoạn đầu, ưu tiên chọn các nhân viên đã từng tham gia tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh có nhiệm vụ tập huấn và tập huấn lại về các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho nhân viên y tế của các bệnh viện dã chiến; chịu trách nhiệm hội chẩn, tư vấn chuyên môn khi có yêu cầu.
Các bệnh viện công lập khác cử thành phần bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên y tế khác theo đúng yêu cầu của Sở Y tế. Đối với nhân sự hậu cần, tiếp tục sử dụng những nhân sự đang công tác tại khu cách ly tập trung trực thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, qua nghiên cứu tính hiệu quả của mô hình hệ thống các cơ sở điều trị COVID-19 theo hình tháp 3 tầng tại tỉnh Bắc Giang đang được Bộ Y tế triển khai, Sở nhận thấy mô hình này là giải pháp phù hợp tình hình hiện nay.
TP đã có các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với trường hợp COVID -19 nặng và nguy kịch (tầng 3 của hình tháp) và các bệnh viện chuyên điều trị COVID -19 (tầng 2 của hình tháp) với tổng công suất là 5.000 - 10.000 giường./.