Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2021 trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Kế hoạch nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền quy định pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, an toàn thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng để tuân thủ các quy định của pháp luật và tố giác đến lực lượng chức năng kịp thời xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả.
TP Hồ Chí Minh mở cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2021 trước,
trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. (Ảnh minh họa: Đức Linh)
Thời gian thực hiện Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát cuối năm 2021 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ được triển khai bắt đầu từ ngày 11/11/2021 đến ngày 28/2/2022.
Đối tượng kiểm tra trong đợt cao điểm lần này sẽ là tổ chức, cá nhân sản xuất, chứa trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa hoặc có hoạt động thương mại điện tử, hoạt động trên môi trường mạng để kinh doanh, có hành vi, dấu hiệu vi phạm: Kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc có hành vi, dấu hiệu vi phạm về thương mại điện tử, quảng cáo, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, niêm yết giá hoặc có hành vi, dấu hiệu vi phạm khác thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của lực lượng QLTT; đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, dược phẩm, trang thiết bị vật tư y tế, sản phẩm phòng chống dịch bệnh COVID-19 có nhu cầu lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng; các đối tượng hoạt động có tổ chức đường dây, ổ nhóm, thường xuyên vi phạm hoặc tác phạm nhiều lần.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các chợ, tuyến đường phố, trung tâm thương mại siêu thị, cửa hàng tiện ích, hội chợ; chứa trữ, vận chuyển tại các kho hàng, điểm chứa trữ, bến bãi, trạm xe trung chuyển hàng hóa, cảng đường thủy, ga hàng không, ga đường sắt, các tuyến đường sông, đường bộ. Tổ chức, cá nhân hoạt động tổ chức hội chợ, khuyến mại; kinh doanh dịch vụ giữ xe.
Đối với mặt hàng kiểm tra, sẽ tập trung nhóm mặt hàng cấm, mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán như: vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, hóa chất, tiền chất công nghiệp, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, tài liệu phản động, sản phẩm mang nội dung gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, động vật và thực vật hoang dã.
Nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán, như: quần áo, giày dép, điện thoại di động, hàng điện tử, điện lạnh, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, xăng dầu, gas; gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống; đặc biệt chú ý đến cá sản phẩm được sử dụng để làm quà tặng.
Nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp và phân bón; vật liệu và thiết bị xây dựng; xe đạp điện, xe máy điện và mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường..../.