Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác khảo sát một số địa điểm trên địa bàn huyện (ảnh: Việt Dũng)

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng, Cần Giờ cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 50 km, có vị trí quan trọng, là cửa ngõ của TP Hồ Chí Minh tiến ra biển Đông. Huyện có rừng ngập mặn, có biển.

Trong 5 năm qua, kinh tế huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá; tổng giá trị sản xuất đạt kế hoạch đề ra với mức tăng bình quân 13%/năm. Trong đó, ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt tăng trưởng 19,6%/năm, ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 16,7%/năm và ngành nông nghiệp - thủy sản 4,5%/năm; có 6/6 xã được công nhận nông thôn mới và huyện được công nhận huyện nông thôn mới. Đáng chú ý hoạt động du lịch có chuyển biến tích cực, doanh thu du lịch tăng bình quân 46,4%/năm; lượng du khách tăng bình quân 31,4%/năm. Huyện đã xây dựng nhãn hiệu của địa phương gồm 3 sản phẩm như: xoài cát, khô cá dứa và yến sào.

Hiện nay, toàn huyện Cần Giờ có 33/33 ấp, khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hoá; 6/6 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới và Thị trấn Cần Thạnh đạt chuẩn văn minh đô thị. Đến cuối năm 2020, huyện Cần Giờ không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn 16 triệu/người/năm và theo chuẩn 21 triệu đồng/người/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đạt 25,31 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,54 lần so với đầu năm 2011
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Cần Giờ cũng đang gặp những khó khăn đặc biệt huyện chưa thu hút được các thành phần kinh tế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất thủy sản còn thiếu ổn định, tăng trưởng chưa vững chắc. Các bước thực hiện để hướng đến mục tiêu phát triển du lịch còn chậm.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Lê Minh Dũng cho biết, theo chiến lược phát triển đô thị vệ tinh thì huyện Cần Giờ sẽ có các khu hoạt động bảo tàng sống, khu nghỉ dưỡng sinh thái, các hoạt động giữa thiên nhiên hoang dã, trung tâm du lịch theo mô hình cộng sinh RE100 - đô thị tự cung tự cấp - giảm thiểu nhu cầu năng lượng; ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng hệ thống để xử lý tận dụng tận thu nguồn nước mưa, lọc nguồn nước biển sạch ngoài khơi; tái sử dụng năng lượng nhằm giảm tác động môi trường, kiểm soát và xử lý chất thải của khu dân cư và đề xuất các trạm xử lý và có quy định về quản lý chất thải sinh hoạt; tập trung công tác bảo vệ môi trường; kế hoạch giữ gìn biển, bãi biển và xử lý cát đen thành trắng để đảm bảo chất lượng nước biển...

Riêng về khu đô thị du lịch biển, Bí thư Huyện ủy Lê Minh Dũng cho hay theo Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ có quy mô 2.870 ha, tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Hiện Đồ án đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 3800/QĐ - UBND xác định tính chất của khu vực quy hoạch là Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, M.I.C.E (hội thảo hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng), đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn,...
Tại buổi làm việc, các chuyên gia chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển của Cần Giờ. Các chuyên gia cho rằng TP Hồ Chí Minh quyết định xây dựng Cần Giờ thành đô thị biển là bước đi đúng, vì Cần Giờ có nhiều tiềm năng, là cửa ngõ đô thị biển quan trọng của TP Hồ Chí Minh.

Theo TS Trần Du Lịch, để Cần Giờ phát triển mạnh mẽ, TP Hồ Chí Minh cần tháo gỡ vướng mắc để nhà đầu tư thuận tiện thực hiện các dự án, hình thành dịch vụ du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, trong các chính sách phát triển Cần Giờ, cần chú ý tới các vấn đề xã hội, đảm bảo cơ sở hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục, nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Đồng thời, cần phải chú ý đặc trưng cơ bản của Cần Giờ là môi trường sinh thái, phát triển cần phải bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn. Các chuyên gia cũng đề nghị có sự lắng nghe kỹ các ý kiến phản biện.

Phát biểu tại buổi trao đổi, đồng chí Nguyễn Văn Nên chúc mừng bà con xã đảo Thạnh An cùng huyện Cần Giờ khi xã đảo này được chính danh trên bản đồ xã đảo của Việt Nam. Đồng chí cũng bày tỏ vui mừng trước nỗ lực của huyện trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, khi hoàn thành các chỉ tiêu về phủ kín điện lưới, phát triển đường giao thông nông thôn, trường học…

Ghi nhận, cảm ơn những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi trao đổi, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý. Thông qua đó, TP Hồ Chí Minh có cách làm phù hợp, tạo được sự đồng hành trên bước đường xây dựng TP Hồ Chí Minh nói chung và Cần Giờ nói riêng phát triển bền vững.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương thực hiện cơ chế, chính sách kết nối, huy động sự chung tay góp sức của xã hội, nhất là đội ngũ trí thức, nhà khoa học đóng góp ý kiến, tư vấn có trách nhiệm và hiệu quả để biến những khát vọng, ước mơ, suy nghĩ về việc phát triển TP Hồ Chí Minh thành hiện thực, trong đó có sự phát triển của huyện Cần Giờ.

Đối với công tác quy hoạch huyện Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị Cần Giờ cần phải bám và thực hiện quy hoạch trước quý IV/2021; tiếp tục triển khai công tác cải cách hành chính nhất là chuyển đổi số và thực hiện chính quyền điện tử. Huyện cần quan tâm bảo vệ môi trường; an sinh xã hội cho người dân, nhất là các đối tượng chính sách và hộ nghèo; quan tâm đến an ninh, quốc phòng.

Để phát triển Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng các cơ quan nghiên cứu tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết cho Cần Giờ.

Trước đó, đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo Thành phố và các chuyên gia đã khảo sát thực tế tại một số địa điểm trên địa bàn huyện như: mô hình hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Thuận Yến; dự án phát triển Khu du lịch 30-4. Đồng thời đến nhiều hộ gia đình thăm hỏi, tìm hiểu đời sống, làm ăn của bà con tại ấp Thạnh Hòa và Thạnh Bình thuộc xã đảo Thạnh An./..


VL