Ảnh minh họa. Nguồn: PV

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã ra văn bản hướng dẫn đăng ký hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết bắt đầu triển khai từ ngày 7/10.

Cụ thể, người đi từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố khác trong một số trường hợp cấp thiết thuộc các trường hợp: đưa đón người bệnh hiểm nghèo; đưa đón con nhỏ (dưới 18 tuổi); đưa đón phụ nữ mang thai; tham gia phỏng vấn trước khi đi nước ngoài; tham gia thi tuyển do các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước tổ chức; thực hiện di chuyển theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan điều tra (người đã được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đến cho phép đến không thuộc đối tượng cần Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh xác nhận di chuyển).

rong khi đó, người dân TP Hồ Chí Minh từ các tỉnh, thành phố khác có nguyện vọng trở về TP Hồ Chí Minh thuộc trường hợp: có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh; có giấy xác nhận tạm trú tại TP Hồ Chí Minh, giấy xác nhận tạm vắng của địa phương có địa chỉ nơi đến là TP Hồ Chí Minh (người đã được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh, thành phố nơi đi cho phép đến TP Hồ Chí Minh không thuộc đối tượng cần Sở Giao thông vận tải xác nhận di chuyển).

Về phương thức đăng ký, người dân có nhu cầu hỗ trợ di chuyển, thực hiện đơn đăng ký hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết trên cổng thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải tại địa chỉ https://thongtin-sgtvt.tphcm.gov.vn/dich-vu-cong/dang-ky-di-chuyen. Đơn đăng ký di chuyển phải được nộp trước thời gian dự kiến di chuyển ít nhất 48 giờ.

Trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm người dân nhận được thông tin đăng ký thành công của Sở Giao thông vận tải Thành phố, Sở sẽ phản hồi kết quả giải quyết thông qua địa chỉ mail của người gửi đơn.

Trường hợp đơn được chấp thuận, người làm đơn sẽ nhận được file PDF của giấy đề nghị hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết có mã QR code. Mã QR code này nhằm phục vụ các cơ quan kiểm tra, giám sát trong quá trình di chuyển. Trong trường hợp cần thiết truy xuất dữ liệu, nhân viên kiểm tra, giám sát quét mã QR code sẽ nhận được các thông tin chi tiết của người di chuyển.

Người làm đơn hoặc người cùng đi trên phương tiện sẽ tự in giấy đề nghị hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết hoặc mang theo bản điện tử trên thiết bị di động để sử dụng khi lưu thông trên đường.

Trường hợp đơn không được chấp thuận sẽ nhận được phản hồi nguyên nhân không được chấp thuận đơn.

Cùng ngày, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi các đơn vị chức năng và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức về việc tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, các đơn vị vận tải hoàn thành việc kiểm định an toàn phương tiện và thực hiện đổi, cấp lại giấy phép lái xe sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng.

Thời gian qua, TP đã thực hiện tăng cường giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, qua đó một số loại hình vận tải hành khách đường bộ, đường thủy tạm dừng hoạt động, đồng thời người dân được yêu cầu hạn chế ra đường, dẫn đến phần lớn các phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, xe cá nhân và các phương tiện đường thủy nội địa đến hạn đăng kiểm trong thời điểm này không thể di chuyển ra ngoài để thực hiện đăng kiểm theo quy định.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các đơn vị vận tải hoàn thành việc kiểm định an toàn phương tiện xe cơ giới, phương tiện thủy nội địa theo quy định và thực hiện đổi, cấp lại giấy phép lái xe, Sở Giao thông vận tải TP đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục tạm thời không xử phạt các trường hợp lái xe, chủ xe, thuyền trưởng điều khiển phương tiện đường bộ, phương tiện đường thủy đã quá thời hạn kiểm định đến các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn TP để thực hiện kiểm định. Đồng thời, không xử phạt các trường hợp cá nhân tham gia giao thông có GPLX hết thời hạn sử dụng.

Thời gian kết thúc việc giải quyết các trường hợp nêu trên đến hết ngày 31/10/2021. Sau thời gian này, các trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định./.

PV