Chiều 14/9, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) tổ chức Hội nghị lần thứ 8 mở rộng, xem xét cho ý kiến về tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TP Hồ Chí Minh về kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ sau ngày 15/9.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị. Đại diện Trung ương tham dự có các đồng chí: Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đinh Văn Vượng, Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Văn phòng Trung ương Đảng.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tham dự gồm các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tới điểm cầu tại TP Thủ Đức và 21 quận, huyện.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh tới một số kết quả mà Thành phố đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thời gian qua, đặc biệt là trong 3 tuần triển khai các biện pháp tăng cường. Đến nay, Thành phố đã đạt những kết quả trong việc thực hiện giãn cách xã hội như: Xét nghiệm diện rộng và triển khai “thần tốc”; điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 - nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là giảm tử vong; đảm bảo an sinh xã hội - nhiệm vụ trọng yếu; vaccine, thuốc điều trị - nhiệm vụ chiến lược trong phòng chống dịch.
Để có những kế hoạch hiệu quả trong thời gian tới, tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá cụ thể những gì đã làm được, những gì làm chưa được, bài học kinh nghiệm đồng thời cho ý kiến các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai. Đồng chí cũng nhấn mạnh tới việc xem xét vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh; trách nhiệm của các quận huyện và TP Thủ Đức; vai trò của các “pháo đài” ở các xã phường thị trấn; vai trò, trách nhiệm của các lực lượng tăng cường, chi viện.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng chỉ đạo các đại biểu đối chiếu, rà soát từng kết quả với các tiêu chí để thực hiện kiểm soát dịch bệnh theo Quyết định 3979 của Bộ Y tế. Từ những kết quả cụ thể trong thực tiễn có thể nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả, sáng tạo, linh hoạt.
Đồng chí cũng thông tin, sáng nay TP Hồ Chí Minh đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về việc tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo tinh thần Chỉ thị 16. Những địa phương đã kiểm soát được thì từng bước mở dần theo nguyên tắc an toàn là trên hết, không chủ quan nôn nóng, làm chặt chẽ, chắc chắn.
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trong tình hình hiện nay, quan điểm của Thành phố, những nơi chưa đạt theo tiêu chí kiểm soát dịch đã đề ra thì tiếp tục phấn đấu thực hiện; những nơi đã kiểm soát dịch được thì nới dần từng bước chắc chắn trên cơ sở an toàn là trên hết. Vấn đề đặt ra trong điều kiện hiện nay, thực hiện giãn cách trong giai đoạn tới có giống như giai đoạn đầu hay thực hiện ở mức độ nào? Đồng chí đề nghị hội nghị làm rõ vấn đề này để thống nhất thực hiện đồng bộ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo kết quả nổi bật về công tác phòng chống dịch COVID-19 và trình bày tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TP Hồ Chí Minh về kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ sau ngày 15/9.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả tích cực. Người dân đồng thuận, chấp hành tốt, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; đã có nhiều sáng kiến, mô hình hay từ cơ sở. Thành phố đã có nhiều nỗ lực và kịp thời điều chỉnh khi triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ những người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.
Đến nay các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã chi xong gói 1 và đạt 98% gói 2 theo danh sách. Những trường hợp chưa nhận gói 2 là các trường hợp đang cách ly tập trung, và một số người trong danh sách đi về quê, đi khỏi địa bàn… Các địa phương đã nhận và phát 14.100 tấn gạo hỗ trợ đợt 1 của Chính phủ và cấp phát gần 1,8 triệu túi an sinh do Thành phố vận động cũng như phát nhiều túi an sinh khác do quận, huyện, xã, phường triển khai. Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện là rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh, đảm bảo đời sống cho người dân trong lúc giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, quá trình cung ứng hàng hóa và đảm bảo an sinh cho người dân vẫn còn một số hạn chế cần được phân tích để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, trong việc cung cấp hàng hóa và đảm bảo an sinh xã hội, từ nay đến cuối tháng 9/2021, Thành phố cho phép các shipper sẽ hoạt động liên quận và người dân ở các vùng kiểm soát được dịch sẽ trực tiếp đi chợ theo quy định của địa phương. Về gói an sinh, đồng chí yêu cầu các địa phương tập trung phát dứt điểm cho các hộ còn lại trong danh sách gói 1, gói 2 và chuẩn bị triển khai gói hỗ trợ lần 3./..