|
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Chi Mai) |
Ngày 22/11/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Canada (VCBA) tổ chức Hội thảo “Canada – Cửa ngõ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Mỹ”.
Chương trình là dịp để các doanh nghiệp của Việt Nam cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường, xu hướng tiêu dùng, cũng như các chính sách ưu đãi xuất khẩu và các biện pháp phòng vệ thương mại của Canada; hội thảo còn giới thiệu đến doanh nghiệp các kênh kết nối hiệu quả và thiết thực, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào thị trường Canada, một thị trường đầy tiềm năng nhưng còn nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Canada luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại lớn thứ hai, sau Mỹ, tại lục địa châu Mỹ; Việt Nam mong muốn duy trì, phát triển toàn diện và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước được thiết lập từ năm 2017. Trong khi đó, Việt Nam là cửa ngõ để Canada vào khu vực Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương, đồng thời là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký với Canada hiệp định CPTPP có hiệu lực từ 14/01/2019 và hiện tái khởi động đàm phán FTA ASEAN – Canada trong năm nay.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Canada 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,214 tỷ USD giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022 trong đó Việt Nam xuất siêu sang Canada là 5,448 tỷ USD. Kết quả này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của 2 quốc gia. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Canada năm 2022 ước đạt 632.829.000 USD trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 470.294.000 USD tăng 28% so với cùng kỳ 2021.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: hiện tại, Canada hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 14 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 7/2023, Canada đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 253 dự án với tổng vốn đăng ký là 4,84 tỷ USD. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Canada có 131 dự án đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư là hơn 133 triệu USD, đứng thứ 22/120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2023, Canada có 20 dự án với tổng số vốn đầu tư là 3,1 triệu USD.
Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế và là đầu tàu có sức thu hút, sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bước sang năm mới 2024, cũng là thời điểm Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực và Việt Nam cũng là một trong 143 thành viên tham gia quy định này của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đây là cột mốc quan trọng đối với cả nhà đầu tư lẫn nước nhận đầu tư, khi thuế tối thiểu áp dụng tối thiểu 15% trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế xã hội của Thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư.
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Trung Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada cho rằng, năm nay, hai nước vừa chính thức kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973-2023). Trong vòng 5 thập kỷ qua, quan hệ song phương của hai nước đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả, trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục, tới trao đổi giữa nhân dân hai nước. Canada là một đối tác quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua, góp phần hiệu quả vào việc giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam. Bên cạnh quan hệ ngoại giao, quan hệ đảng và quốc hội cũng như hợp tác địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ.
|
|
Ông Dan On, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Canada - Việt Nam cho biết, phía Canada luôn tạo điểu kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Chi Mai) |
Ông Nguyễn Quang Trung chia sẻ, về quan hệ kinh tế, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á 8 năm liên tục cho đến năm 2022. Chỉ tính riêng trong năm 2022, tỉ trọng quan hệ thương mại song phương giữa VN và Canada đã chiếm hơn 1/3 quan hệ thương mại giữa Canada với toàn bộ 10 nước ASEAN. Tính đến tháng 11/2022, giá trị quan hệ thương mại giữa VN và Canada đã đạt 12 tỷ 870 triệu CAD. Về giáo dục, hiện nay, Việt Nam có gần 20,000 sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục tại Canada. Tuy nhiên, quan hệ thương mại song phương VN-Canada vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn so với tổng thể quan hệ giữa Canada với phần còn lại của thế giới và dư địa cho các nhà đầu tư VN tại thị trường này còn rất lớn.
Ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh, hai nước hiện là thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam là một đối tác kinh tế đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đa dạng hoá thương mại của Canada trong khu vực; điều này phù hợp với Chiến lược Ấn độ dương – Thái Bình Dương (IPS) của Canada. Ngoài hợp tác cấp liên bang, các tỉnh bang, vùng lãnh thổ của Canada cũng tăng cường chính sách “xoay trục” truyền thống dựa vào quan hệ kinh tế chủ yếu với Mỹ sang các khu vực khác, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình dương, Chính quyền tỉnh bang British Columbia tại khu vực miền Tây đã đề ra chiến lược đa dạng hóa thương mại và đã mở văn phòng thương mại và đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, về thương mại và đầu tư FDI song phương: Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2021, giá trị FDI của Canada vào thị trường VN tăng 230% (đạt 1,52 tỉ CAD) so với năm 2017, dẫn đầu là các thương hiệu Sunlife, Manulife, Dan-D Foods, CAE, GeoComply...Từ phía VN, mặt hàng xuất khẩu chính sang Canada bao gồm: điện thoại di động, máy tính, dệt may, giầy dép, đồ nội thất, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nhựa, cao su ....;đáng chú ý có sự hiện diện của xe điện VinFast và công ty cung cấp phần mềm FPT...Các lĩnh vực Canada quan tâm đến Việt Nam: Giáo dục, Cơ sở hạ tầng, Đầu tư tài chính,Năng lượng sạch, Xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản sang Việt Nam...mặt hàng Canada xuất khẩu chính sang Việt Nam: ngũ cốc, thủy sản, than, hóa chất, thiết bị y tế, các sản phẩm về thịt, phân bón, hải sản, đồ gỗ, đậu nành, nhiên liệu khoáng...
“Quan hệ song phương Việt Nam-Canada đã trưởng thành, ngày càng lớn mạnh và sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới. Với quyết tâm mạnh mẽ của nhân dân hai nước, chính phủ và các doanh nghiệp, tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước, giữa Việt Nam và các tỉnh bang ở bờ Tây của Canada sẽ ngày càng phát triển trong nhiều năm tới vì lợi ích chung của cả hai dân tộc.”- Ông Nguyễn Quang Trung nói.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Dan On, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Canada - Việt Nam cho biết, phía Canada luôn tạo điểu kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam, mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt là nông - thủy sản; cũng như hợp tác văn hóa - thể thao - du lịch, giao lưu nhân dân…
Ngoài ra, tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội Thương mại Canada - Việt Nam cũng cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường, xu hướng tiêu dùng, các chính sách ưu đãi xuất khẩu và các biện pháp phòng vệ thương mại của Canada. Đồng thời giới thiệu đến doanh nghiệp các kênh kết nối hiệu quả và thiết thực. Từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào thị trường Canada, một thị trường đầy tiềm năng nhưng còn nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam./.