Toàn cảnh buổi họp. (Ảnh: Huyền Mai)

Chiều tối ngày 06/12, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong những ngày qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, từ đầu năm đến nay BHXH TP đã giải quyết khoảng 95.055 hồ sơ với số tiền chi trả trên 8.000 tỷ đồng trên tổng số 2,2 triệu người tham gia BHXH.

Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, nguyên nhân người lao động nhận BHXH một lần bởi dịch bệnh COVID-19 làm  người lao động (NLĐ) mất việc, thiếu việc  ảnh hưởng đến thu nhập,, họ phải chuyển từ khu vực chính thức sang khu vực lao động tự do, không tham gia BHXH. Bên cạnh đó, một bộ phận NLĐ ở tỉnh khác đến TP làm việc, khi nghỉ việc sẽ chọn hưởng BHXH một lần để trang trải cuộc sống. Đồng thời , họ nghĩ rằng nhận BHXH một lần là khoản trợ cấp thất nghiệp để giải quyết khó khăn trước mắt và sẽ tham gia lại khi có điều kiện.

Ông Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh, phải tăng cường truyền thông cho NLĐ hiểu lợi ích của việc hưởng lương hưu so với hưởng BHXH một lần; Các cơ quan chức năng làm tốt công tác đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho NLĐ tạo điều kiện cho NLĐ nhanh chóng quay lại thị trường lao động chính thức của TP sau khi hưởng BHXH 1 lần….

Về tình hình học trực tiếp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Dương Trí Dũng cho biết, theo khảo sát, hiện nay có khoảng hơn 70% phụ huynh không đồng thuận việc cho con em của mình đi học trực tiếp trở lại từ ngày 13/12 theo kế hoạch đã được phê duyệt, điều đó cho thấy sự lo lắng của một bộ phận phụ huynh đặc biệt là phụ huynh học sinh lớp 1.

Ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh,  ngoài việc học trực tiếp, ngành giáo dục TP vẫn tiếp tục duy trì việc học trực tuyến qua internet, truyền hình. Đây là kênh hỗ trợ không thể thiếu trong thời điểm vẫn còn một bộ phận học sinh chưa tới trường. Nhưng để tạo sự an tâm cho phụ huynh, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế và các địa phương đảm bảo xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trở lại một cách cụ thể.

Về ngăn chặn biến chủng Omicron xâm nhập qua đường biên giới, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm cho hay, hiện tại, biến chủng mới Omicron vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam.  Đối với nguồn nhập cảnh chính thức, người từ nước ngoài đến Việt Nam sẽ được yêu cầu tiêm đủ liều vắc xin quy định. Đồng thời, phải cách ly 7 ngày tập trung và 7 ngày tại nhà. Riêng đường hàng hải, người nhập cảnh nếu không lên bờ sẽ được cách ly tại tàu. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cũng phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới giải trình tự gen đối với trường hợp nhập cảnh dương tính. Còn với nguồn lây thông qua nhập cảnh trái phép, ngành y tế đã phối hợp với lực lượng công an để rà soát, theo dõi, phát hiện, cách ly tuyệt đối những trường hợp này.sau đó, tiến hành giải trình tự gen đối với các ca dương tính.

Để ứng phó với các ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng trong những ngày qua, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, ngày 2/12, Sở Y tế TP đã có văn bản khẩn về việc các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, ngành y tế TP tăng cường hệ thống y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế lưu động. Tính đến hiện tại, trên địa bàn TP có 310 trạm y tế cố định và 382 trạm y tế lưu động để hỗ trợ địa phương trong tiếp nhận, thu dung và điêu trị F0 hỗ trợ địa phương trong tiếp nhận, thu dung và điều trị F0 kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai chia sẻ, các trường hợp tử vong trong những ngày qua, đại diện Sở Y tế cho biết, chủ yếu là người cao tuổi, bệnh nền, chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Theo đó, Sở Y tế tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP để xây dựng Kế hoạch chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các đối tượng nêu trên, chuẩn bị trình UBND TP xem xét trong thời gian sớm nhất. Kế hoạch dự kiến tập trung tối đa trong tháng 12 này và duy trì cho đến hết năm 2022 nhằm giảm sâu tỷ lệ người tử vong vì COVID-19./.

Quang Linh