Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai

Ngày 1/6, tại TP Hồ Chí Minh Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và triển khai một số giải pháp cấp bách.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nguồn lây nhiễm chưa xác định được. Vì vậy, Thành phố tiếp tục quyết liệt trong công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố cũng đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm mở rộng toàn Thành phố (khoảng 1,6 triệu mẫu); trước mắt là tất cả các đơn vị bầu cử có hội viên Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cư ngụ; tất cả công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Thành lập các Tổ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên cơ sở huy động sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y Thành phố và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Nhấn mạnh giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh lâu dài là đảm bảo độ bao phủ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân nhưng hiện nay số lượng vắc xin cung ứng cho Thành phố còn hạn chế, Chủ tịch UBND Thành phố đề xuất Chính phủ sớm có cơ chế giao Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin (đàm phán, cấp phép), kiểm định và quyết định loại vắc xin được phép tiêm cho người dân, còn kinh phí và nguồn thanh toán giao cho Thành phố để có thể chủ động cung ứng vắc xin cho người dân TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Thành phố sẽ triển khai gói hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm trên địa bàn Thành phố gặp khó khăn vì COVID-19 để duy trì thực hiện “Mục tiêu kép” và chính sách an sinh xã hội hiệu quả.

Đánh giá cao các giải pháp TP Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả, kịp thời để phát hiện, khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ổ dịch từ Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng được đánh giá là nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất. Bên cạnh đó, với chủng virus mới này có chu kỳ lây nhiễm rất nhanh, từ 2-3 ngày và có thể nhanh hơn.

Bộ Y tế nhận định, nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh trong khu công nghiệp là rất lớn. Một số ca bệnh đã xuất hiện trong khu công nghiệp, các văn phòng, cao ốc (môi trường phòng kín điều hòa nguy cơ lây bệnh cao hơn)… Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần xác định đây là thời điểm phải can thiệp mạnh, quyết liệt hơn, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm hơn ở một số địa bàn, đảm bảo việc sản xuất nhưng tăng tốc về năng lực y tế mới có thể dập dịch triệt để. Đặc biệt, chú ý công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp.

Bộ trưởng cũng gợi ý về công tác xét nghiệm, xem xét áp dụng thí điểm việc giao cho các cơ sở y tế tư nhân, nhà thuốc có khả năng triển khai sàng lọc, test kháng nguyên nhanh cho các đối tượng có biểu hiện ho, sốt, khó thở…


Thành phố đang tập trung, quyết liệt, thần tốc dập dịch nhằm sớm đảm bảo cuộc sống bình thường cho người dân.

(Ảnh: HCDC)

Về vắc xin, hiện nay nguồn cung khan hiếm, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 để có nguồn vắc xin sử dụng cho người dân nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất. Bộ cam kết tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin. Kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ cắt gỉảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vắc xin, đảm bảo an toàn vắc xin và chống việc giả mạo vắc xin.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ - ngành tiếp thu các ý kiến để khẩn trương có biện pháp giải quyết theo thẩm quyền từng lĩnh vực; tuy nhiên tinh thần là phân cấp mạnh mẽ để TP Hồ Chí Minh chủ động xử lý phù hợp với thực tế tình hình.

Từ ổ dịch tại Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, Phó Thủ tướng yêu cầu phải rà soát lại hoạt động của các điểm nhóm sinh hoạt tín ngưỡng trên địa bàn Thành phố; cần rút ra bài học về quản lý nhà nước ở cấp cơ sở gắn với xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra việc này. Không cấm đoán sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo nhưng phải tuân thủ quy định của Pháp luật Nhà nước và cả các quy định về phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

Đồng thời, xác định rõ việc cơ quan chức năng có quyết định khởi tố một số cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch và khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh.

TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung, chủ động để ngăn chặn và xử lý dứt điểm các ổ dịch lớn trên địa bàn trong thời gian 1-2 tuần tới.

Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Phó Thủ tướn yêu cầu Thành phố rà soát, bổ sung các Bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực để áp dụng vào thực tế. Các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là, phải thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung các hướng dẫn phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng; đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tới từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất; chủ động các phương án chống dịch để không bị động.

Đối với các khu cách ly tập trung, Thành phố cần tính toán để sớm có thể bảo đảm đủ năng lực cách ly cho 30.000 người; xây dựng và đảm bảo các tiêu chí an toàn trong các khu cách ly, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly.

Bên cạnh đó, đồng chí Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh Thành phố cần tiếp tục thực hiện “Mục tiêu kép”, duy trì tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh.

Hiện nay, 5K + vắc xin được xem là giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống COVID-19. Vì vậy, các cơ quan báo chí, truyền thông, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, có hình ảnh trực quan, sinh động về yêu cầu 5K và tiêm vắc xin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./..

Theo báo cáo tại cuộc họp, tính đến nay, có 538 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh. Trong đó, 336 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 58,5%), 198 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 40,7%), 04 trường hợp lây trong khu cách ly VNA (0,82%).

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, tại Thành phố có 208 trường hợp dương tính đã được công bố.

Tại ổ dịch nhóm truyền giáo Phục Hưng, có 55 người trực tiếp sinh hoạt tại đây thì đến nay đã có 40 người mắc COVID19 đồng thời, từ đó lây lan ra thêm cho 160 người khác trong cộng đồng dân cư tại Thành phố thông qua nơi làm việc, tiếp xúc gia đình và bạn bè.

Thành phố cũng là nơi có rất nhiều khu công nghiệp. Hiện nay, Thành phố cũng đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 khu công nghiệp là Khu Công nghiệp Tân Bình, Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc - Hóc Môn. Môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể tập trung rất đông người trong các khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng. Chính vì vậy, hiện nay, Thành phố đang yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tại khu vực này, đồng thời có biện pháp phòng ngừa. Các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động, tìm hiểu nguyên nhân người lao động nghỉ làm để qua đó phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch. Trong vận hành sản xuất mỗi doanh nghiệp chủ động điều chỉnh để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh.


V.Lê