Tham quan được giới thiệu các mô hình hoạt động tại Khu NNCNC.

Trải qua quá trình phát triển gần 20 năm, nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố đã đạt được rất nhiều những thành công, khẳng định được vị thế trong nền nông nghiệp của nước nhà. Nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố hiện đang đứng trước nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội lớn để phát triển và tiếp tục khẳng định là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2004 Thành phố đã cho thành lập Khu Nông nghiệp Công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt (88,17 ha tại Củ Chi) và Trung tâm Công nghệ sinh học (23 ha tại Quận 12) với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với sự phát triển nhanh và năng động của một đô thị đứng đầu cả nước. Tháng 8 năm 2013 Trại Trình diễn và Thực nghiệm Chăn nuôi Bò sữa Công nghệ cao (10 ha tại Bình Chánh) chính thức được đưa vào hoạt động tiếp tục tạo dấu mốc mới trong nỗ lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố. Theo định hướng và quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thành phố, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tiếp tục mở rộng quy mô, phạm vi, lĩnh vực hoạt động bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hội nhập sâu với thế giới. Hiện nay Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đang được giao triển khai các dự án đầu tư mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành thủy sản tại Cần Giờ 90 ha; Dự án mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao 23,3 ha tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; Dự án Đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành chăn nuôi 200 ha tại huyện Củ Chi; Dự án đầu tư mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành trồng trọt, chế phẩm sinh học 200 ha tại huyện Củ Chi. Bên cạnh đó, Thành phố đang xây dựng đề án quy hoạch các khu vực, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp đô thị, trong đó hạt nhân là các Khu nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố cũng dự kiến ban hành đề án phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó có mục tiêu tạo sự gắn kết giữa các Khu nông nghiệp công nghệ cao với các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thành lập năm 2004 là Khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong cả nước và đến nay được xem là một trong những mô hình hoạt động đúng hướng và hiệu quả nhất. Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao từ khá sớm. Ngày 7/5/2010, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 2011/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó tập trung vào một số mục tiêu chính là đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ về giống; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; quy hoạch các vùng sản xuất giống và khu nông nghiệp công nghệ cao. Xác định tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp công nghệc cao, Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục phê duyệt các chương trình: Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 (Quyết định số 6150/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2016); Chương trình Phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp (Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2019); Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghê cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030 (Quyết định số 2092/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2021).

Mục tiêu của các chương trình này là nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và gắn với chuỗi giá trị sản phẩm an toàn; nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc, sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao một cách toàn diện nhằm dẫn dắt, định hướng cho nông nghiệp của thành phố và khu vực theo hướng hiện đại, phục vụ sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường. Thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2030.

Nhờ có chính sách tốt nên tăng trưởng ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm sau cao hơn năm trước. GRDP ngành nông nghiệp (giá so sánh năm 2010) tăng từ 3.413 tỷ đồng năm 2010 lên 4.462 tỷ đồng năm 2015, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 5,51%/năm và tăng lên 5.268 tỷ đồng năm 2020, đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3,38%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP nông nghiệp cả nước (2,54%/năm). Năm 2021 đạt 4.471 tỷ đồng, tăng trưởng âm 15,13% so với năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19.

Trên địa bàn Thành phố, diện tích đất nông nghiệp giảm liên tục hàng năm. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm thành phố giảm 700 ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000 ha. Tuy nhiên giá trị sản xuất trên 1 ha đất vẫn tăng hàng năm. Năm 2015 giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 375 triệu đồng/ha/năm. Tính chung cả giai đoạn 2015-2020 giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đạt khoảng 500 triệu đồng/ha. Thành phố phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp nông thôn dưới 03 tháng: giai đoạn 2016 - 2020 các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lỹ Khu nông nghiệp Công nghệ cao và Hội Nông dân Thành phố đã tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn dưới 03 tháng cho 371 lớp với 12.006 học viên là nông dân, người lao động. Đào tạo nghề lao động nông nghiệp nông thôn trình độ sơ cấp: đã đào tạo được 27 lớp cho 826 lượt.

Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao theo chuyên đề, đào tạo ngắn hạn trong và ngoài nước cho hàng ngàn cán bộ nghiên cứu, quản lý và tổ chức sản xuất. Thành phố đã liên kết với một số chuyên gia các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Israel, Nhật Bản và đã tổ chức được 15 lớp đào tạo trên địa bàn Thành phố cho 406 học viên lượt là cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu về chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, di truyền phân tử trong công tác chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn và phát triển giống nấm. Bên cạnh đó tổ chức, tham gia nhiều hội nghị, hội thảo, tham quan học tập mô hình trong và ngoài nước liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao.

Đạt năng suất cao trong trồng trọt và chăn nuôi

Sản xuất rau an toàn: Năm 2015, diện tích gieo trồng rau đạt 15.800 ha. Bình quân giai đoạn 2011-2015, diện tích gieo trồng rau tăng 2,2%/năm, sản lượng tăng 5,2%/năm. Đến năm 2021, diện tích canh tác rau an toàn là 3.515 ha, tăng 1,47 lần so với năm 2020; diện tích gieo trồng là 21.150 ha, tăng 1,38 lần so với năm 2020; sản lượng rau an toàn năm 2021 đạt 573 nghìn tấn, gấp 2,18 lần so với năm 2020. Tổng số hộ sản xuất rau 3.552 hộ, hình thành 159 vùng rau VietGAP gồm các hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất rau đạt các chứng nhận VietGAP. Đến năm 2020, Thành phố có 65 tổ hợp tác và 34 họp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Sản xuất rau an toàn của thành phố đã ứng dụng các kỹ thuật như: tưới tiết kiệm nước tự động, bán tự động, thủy canh, canh tác trong nhà màng, nhà lưới vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Hoa, cây kiểng: Năm 2015, diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.250 ha. Bình quân giai đoạn 2011-2015, diện tích hoa, cây kiểng tăng 3,3%/năm. Năm 2020 đạt 2.510 ha, tăng 260 ha so với năm 2015. Các cơ sở trồng hoa, cây kiểng đã đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới, tự động hóa vào sản xuất, nhất là khâu tưới nước tiết kiệm và phun thuốc. Công tác chọn tạo giống được chú trọng, trong đó đánh giá, chọn lọc được 20 dòng lan lai và cấp bằng bảo hộ 12 dòng lan lai (Dendrobium) mới; xây dựng thành công 15 quy trình nhân giống in vitro; tuyển chọn được 04 dòng hoa chuông (Gloxinia speciosa) có biến dị kiểu hình và màu sắc hoa mới lạ; chọn tạo và phát triển được 05 giống hoa kiểng mới. Đến nay trên địa bàn Thành phố có 10 hợp tác xã và 41 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa kiểng. Triển khai thực hiện được 209 mô hình hỗ trợ nông dân, mô hình thực nghiệm, thử nghiệm, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật liên quan đến hoa, cây kiểng.

 

Đàn bò: Tổng đàn bò của Thành phố tăng từ 99.440 con năm 2010 lên 160.000 con năm 2015. Trong đó, đàn bò sữa 103.000 con, chiếm 37,5% so với đàn bò cả nước. Sản lượng sữa bò tươi đạt 275.000 tấn, chiếm 42,6% sản lượng cả nước. Bình quân giai đoạn 2011-2015, tổng đàn bò tăng 10%/năm; trong đó, bò sữa tăng 6,4%/năm, sản lượng sữa bò tươi tăng 6%/năm. Đến năm 2020 tổng đàn bò giảm xuống còn 130.180 con và năm 2021 giảm còn 103.366 con. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong chăn nuôi bò được chú trọng. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa công nghệ cao cho 40 hộ chăn nuôi quy mô 30 - 50 con/hộ; triển khai hỗ trợ 704 máy móc, thiết bị các loại; 30 hộ sử dụng phương thức cho ăn TMR; 33 mô hình chăn nuôi bò sữa an toàn VietGAHP và 21 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP. Hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng 02 máy phân tích chất lượng sữa, tủ ấm đựng mẫu sữa, máy đếm tế bào soma cho 02 hợp tác xã. Nâng cấp hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa: Hiện có 35 tổ hợp tác và 04 hợp tác xã chuyên kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, với 183 thành viên và 291 hộ vệ tinh, tổng đàn khoảng 8.000 con, tổng sản lượng sữa 38,2 tấn/ngày, tiêu thụ khoảng 70% cho hộ thành viên và hộ vệ tinh. Đào tạo chuyên sâu nâng cao kỹ thuật cho hơn 120 lượt cán bộ kỹ thuật về giống, thú y, quản lý chất lượng sữa, dinh dưỡng và thức ăn cho bò sữa. Trại Trình diễn và Thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) đón tiếp 131 đoàn với hơn 3.000 lượt khách tham quan, học tập và 135 lượt sinh viên, kỹ thuật viên tham quan, học tập.

Đàn heo: Tổng đàn heo của Thành phố tăng liên tục từ 293.367 con năm 2010 lên 307.706 con năm 2015, đạt tốc độ tăng bình quân 0,96%/năm; năm 2020 giảm còn 216.560 con, đến năm 2021 tiếp tục giảm còn 202.505 con do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Tại thời điểm 10/2021, trên địa bàn Thành phố có 02 doanh nghiệp nuôi heo, với quy mô đàn 42,88 ngàn con, chiếm 29,51% tổng đàn và 1.808 hộ gia đình chăn nuôi heo, với quy mô 103,62 ngàn con, chiếm 70,49% tổng đàn.

Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2010 đạt 9.064 ha giảm xuống còn 6.901 ha năm 2015 và tăng lên 7.154 ha năm 2020, năm 2021 đạt 7.127 ha. Địa bàn nuôi thuỷ sản mặn lợ tập trung chủ yếu ở các huyện Cần Giờ và một phần nhỏ ở Nhà Bè; nuôi thuỷ sản nước ngọt tập trung chủ yếu ở các huyện Củ Chi và Bình Chánh. Nhiều công nghệ mới, hiện đại trong nuôi trồng, giám định, kiểm soát bệnh thủy sản được triển khai áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng mô hình thực hành quản lý tốt trong sản xuất cá cảnh cho 27 cơ sở cá cảnh, đưa mức lợi nhuận tăng lên rõ rệt, giảm tỷ lệ cá chết và hao hụt từ 30% xuống 15%. Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học (Khu Nông nghiệp Công nghệ cao triển khai 12 đề tài, Trung tâm Công nghệ sinh học triển khai 03 đề tài).

Kết quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Theo Cục Thống kê TP, Tính đến 31/12/2020, Thành phố Hồ Chí Minh có 699 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm 0,32% trong tổng số 216.637 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Trong số đó có 2 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay đã có 61 doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất và canh tác, nuôi trồng nấm, chế phẩm sinh học, nuôi trồng thủy sản. Trong đó có 7 doanh nghiệp đang trong giai đoạn tiền ươm tạo, 27 doanh nghiệp giai đoạn ươm tạo chính thức và 27 doanh nghiệp đã tốt nghiệp. Thông qua các chương trình hỗ trợ (của Sở Khoa học và Công nghệ và Ban Quản lý Khu NNCNC) cho các doanh nghiệp tham gia ươm tạo đã giúp tìm kiếm thêm được nhiều doanh nghiêp mới tham gia chương trình ươm tạo, đồng thời giúp cho các doanh nghiệp tham gia ươm tạo từng bước ổn định bộ máy nhân sự, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng hệ thống sản xuất và kinh doanh bài bản. Phần lớn các doanh nghiệp đã đạt được các chứng nhận cần thiết để thương mại sản phẩm trên thị trường. Một số doanh nghiệp đã đạt được các chứng nhận để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài như HACCP, chứng nhận hữu cơ, chứng nhận ISO 22000:2005. Từ các chương trình hỗ trợ này, đến nay đã có tổng cộng hơn 60 doanh nghiệp với khoảng 220 sản phẩm được thương mại trên thị trường, tạo ra hơn 100 tỷ doanh thu/năm. Một số doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm ra thị các nước EU, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Nhật, Anh, Canada, Chile.

Bên cạnh đó, Thành phố ưu tiên tập trung về nghiên cứu, chọn tạo, thử nghiệm, sản xuất các giống cây trồng, chế phẩm sinh học; ứng dụng các công nghệ chọn tạo giống như: tạo giống ưu thế lai F1, chiếu xạ gây đột biến, nuôi cấy mô tế bào thực vật (in vitro), công nghệ chuyển gen, chỉ thị phân tử. Tính đến nay đã sưu tập và lưu giữ nguồn gen của gần 1000 giống hoa, cây kiểng, rau và dược liệu phục vụ công tác lai tạo giống, chọn giống mới thích nghi với điều kiện khí hậu của Thành phố và biến đổi khí hậu của khu vực. Chọn được 1.157 dòng thuần các giống dưa lưới, ớt ngọt, dưa leo và cà chua bi. Tạo dòng hoa lan mới bằng phương pháp chiếu xạ tổ hợp lai giữa lan nhập nội và lan rừng Việt Nam. Chọn tạo các giống hoa biến dị kiểu hình sau chiếu xạ: tạo dòng biển dị cây hoa chuông (Gloxinia speciosa) bằng xử lý bức xạ tia gamma nguồn Co-60.

Tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và Trung tâm Công nghệ sinh học đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu được thực hiện. Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, đến nay đã có 09 tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia, cùng nhiều giống hoa, rau được công nhận tiêu chuẩn cơ sở, đang thực hiện đăng ký bảo hộ. Hoàn thiện hơn 20 quy trình nhân giống in vitro tập trung chủ yếu trên các giống hoa lan, kiểng lá, dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu tại Thành phố và đáp ứng sở thích của người tiêu dùng. Nhân nhanh các giống hoa lan chủ lực như lan Dendrobium, Hồ điệp, các giống hoa nền. Tại Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã xây dựng thành công các quy trình vi nhân giống các loại hoa lan và các quy trình canh tác đối với các cây kiểng của bộ sưu tập bản địa 13 loài cây kiểng, 10 loại kiểng lá, hoa nền, 02 loài lan Kim tuyến, 15 giống Dendrobium nắng và 120 giống lan rừng có giá trị kinh tế.

Ứng dụng chỉ thị sinh học phân tử trong đánh giá đa dạng di truyền và xác định độ thuần. Tạo giống hoa lan kháng virus bằng công nghệ chuyển gen RNAi; giống dưa leo kháng virus bằng công nghệ chỉnh sửa gen; tạo dòng thuần ớt ngọt bàng kỹ thuật nuôi cấy đơn bội; chọn dòng đinh lăng có hàm lượng saponin cao bằng chỉ thị phân tử. Thiết lập cơ sở dữ liệu trình tự DNA của các đoạn DNA barcode và phân tích, đánh giá sự đa dạng nguồn gen cùa 41 loài lan rừng Việt Nam; ứng dụng chỉ thị phân tử SSR, SNP để xác định độ thuần các dòng dưa lưới và cà chua bi được chọn lọc.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây rau, hoa - cây kiểng và dược liệu. Nghiên cứu xây dựng hơn 20 quy trình kỹ thuật trồng một số loại rau và hoa ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng được hơn 160 mô hình ứng dụng công nghệ cao trên các đối tượng rau ăn lá, rau ăn quả, hoa lan và cây kiểng, nấm ăn và nấm dược liệu phục vụ đào tạo, tham quan, học tập. Triển khai xây dựng 198 mô hình trồng rau ăn lá, ăn quả theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ sinh học, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; 179 mô hình chủ yếu hoa lan, cây mai vàng và hoa nền theo chương trình nông nghiệp công nghệ cao.

Nghiên cứu chế tạo các chế phẩm sinh học (phòng trừ dịch hại, phân bón thế hệ mới) phục vụ canh tác cây trồng. Đã sưu tập và bảo tồn được khoảng 600 chủng giống vi sinh vật phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm sinh học. Đến nay đã có 10 chế phẩm sinh học, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được cấp phép lưu hành; 02 sản phẩm trà túi lọc linh chi và trà túi lọc nhộng trùng thảo – gạo lức được đăng ký lưu hành trên thị trường. Nhiều quy trình công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học ứng dụng trong phòng trừ bệnh, xử lý môi trường… đã được hoàn thiện và đang tiến hành các thủ tục đăng ký lưu hành.

Trong lĩnh vực chăn nuôi: Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để đánh giá hiện trạng di truyền Al, A2 của đàn bò sữa, từ đó chọn lọc và nhân giống các cá thể bò tạo ra đàn bò sữa A2 chất lượng cao. Nghiên cứu gen chịu nhiệt trên bò sữa để nâng cao sản xuất sữa gen PRL (Prolactin) và gen GH (Growth Hormone); khảo sát một số gen chủ yếu nâng cao khả năng sinh sản (gen IGF-I hay gen LEP) để phục vụ công tác “ứng dụng một số marker phân tử trong chọn giống bò sữa chịu nhiệt”. Thu thập 237 mẫu máu trên 150 cá thể bò phân tích và xác định kiểu gene HSP70 và ATP1 A1 trên 143 cá thể. Thông qua quá trình nhập tinh kết hợp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chất lượng con giống bò sữa trên địa bàn Thành phố được cải thiện đáng kể về cả tầm vóc lẫn năng suất sữa. Trong chăn nuôi heo, gia cầm: ứng dụng phương pháp BLUP để cải thiện chất lượng đàn heo của Thành phố trên các trại quốc doanh và một số trang trại để đánh giá, chọn lọc giống heo dựa trên gía trị kiểu gen, thông qua xây dựng chỉ số chọn lọc EBV để rút ngắn thời gian chăn nuôi và giảm chi phí nuôi dưỡng. Xây dựng được quy trình ELISA phát hiện kháng thể kháng virus gây bệnh dịch tả heo trong phòng thí nghiệm và tối ưu hóa quy trình trên mẫu thực địa, thiết lập được quy trình Real - time PCR định tính, định tuýp virus gây bệnh lở mồm long móng. Nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học BIMIX xử lý mùi hôi chuồng trại. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa công nghệ cao cho các hộ chăn nuôi, ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, có trên 40 hộ quy mô đàn 30 - 50 con đã được hỗ trợ đầu tư các thiết bị cơ giới hóa và 30 hộ sử dụng phương thức cho ăn TMR trên toàn đàn bò sữa của nông hộ. Thực hiện 50 mô hình đệm lót sinh học cho đàn heo tại huyện Củ Chi, Bình Chánh; 33 mô hình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa an toàn VietGAHP; 06 mô hình chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại (phối tinh giống bò BBB).

Trong lĩnh vực thủy sản: Duy trì và phát triển bộ sưu tập cá cảnh với hơn 20 loài cá với hơn 34 dòng cá. Lai tạo thành công một số dòng cá cảnh như dòng cá ông tiên trắng và dòng cá ông tiên đen. Sinh sản nhân tạo một sổ loài cá nước ngọt như giống cá lăng nha, cá trê vàng, trê lai, cá tra, cá điêu hồng, cá lóc. Sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực bàng phương pháp vi phẫu tạo con cái giả và phương pháp tiêm sợi đôi iRNA chuyển giới tính tôm đực, tạo đàn tôm cái. Áp dụng phương pháp chọn giống di truyền số lượng lai tổ hợp, đánh giá, chọn ra các nguồn vật liệu ban đầu cho chọn giống tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF), kháng bệnh (SPR). Nghiên cứu tạo cá sóc chuyển gen phát sáng huỳnh quang biểu hiện ánh sáng huỳnh quang lục lam và màu đỏ. Hoàn thiện quy trình nuôi tảo và moina làm thức ăn cho cá giống. Nghiên cứu và sản xuất các bộ kit PCR chẩn đoán bệnh trên tôm tại huyện Cần Giờ. Tập trung phát triển vắc-xin phòng bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá tra, và bệnh đốm trắng cho tôm bằng phương pháp ngâm và cho ăn. Sản xuất thành công nhiều chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Chuyển giao cho các hộ nuôi ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh kỹ thuật sản xuất theo quy trình sinh sản nhân tạo cua biển. Xây dựng 94 mô hình nuôi tôm thâm canh, xen canh, cua giống sinh sản nhân tạo, cá rô phi đơn tính, cá thát lát; 33 mô hình nuôi và sản xuất giống cá cảnh./..

 

 

CM