leftcenterrightdel
Lãnh đạo Thành phố lắng nghe những ý kiến đóng góp của các chuyên gia (Ảnh: Thái Phương)

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) cho rằng, về chiến lược trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cần chuyển chiến lược với COVID-19 từ “đánh nhanh, thắng nhanh, tốc chiến, tốc thắng” sang “đánh chắc, thắng chắc”. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, chúng ta có thể tiêu diệt COVID-19, nhưng không thể tiêu diệt trong hôm nay, tháng này, năm nay mà phải trong những năm tới cùng các quốc gia khác chứ không thể “đơn độc”. Do đó, xét về tổng thể, TP Hồ Chí Minh cần xác định “sống chung” và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi. “Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách sẽ thiệt hại rất nhiều. Nếu tiêm chủng đủ, nên mạnh dạn trong mở cửa”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đề nghị.

Ông cho rằng, cần tính toán mở lại các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trước. Nếu có trường hợp dương tính tại một số doanh nghiệp thì đương nhiên phải cách ly nhưng các trường hợp còn lại có thể chỉ cần xét nghiệm để xác định ca mắc, có biện pháp xử lý phù hợp, thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động cả doanh nghiệp.

Cũng cùng quan điểm trên, GS.TS.BS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh cho rằng, đóng cửa, phong tỏa chỉ hợp lý khi chặn nguồn lây từ bên ngoài. Còn khi dịch ngấm sâu, lan rộng thì việc chạy theo chặn nguồn lây là việc “tưởng đúng mà lại sai”, vì càng làm, càng truy càng ra F0. Vì vậy, GS Lê Hoàng Ninh đề nghị “sống cùng” với COVID-19.

Ông cũng cho rằng, điều kiện cần để mở cửa là phải bao phủ vaccine, điều kiện đủ là 5K và các yếu tố khác. GS. Lê Hoàng Ninh đề nghị, thay vì nói là 5K + vaccine thì cần chuyển trọng tâm ngược lại thành vaccine + 5K, ưu tiên vaccine.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng lúc này TP Hồ Chí Minh  "không thể không mở cửa". Nếu tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa, sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Thành phố không chỉ trong năm nay mà còn những năm tiếp theo, trong khi doanh nghiệp đã kiệt quệ và nếu không cứu kịp thì rất khó để phục hồi.

"Về chiến lược mở cửa, chúng ta cần học cách thích nghi an toàn, bài toán ở góc độ chính sách là quản lý rủi ro, và bảo vệ những đối tượng có rủi ro nhiều nhất. Thành phố có thể đo lường diễn biến dịch bệnh, có các phương án ứng phó, có kịch bản ứng phó, không phải mở ra một cách ồ ạt, thiếu thận trọng theo kịch bản phù hợp với từng điều kiện thực tế", TS Vũ Thành Tự Anh cho biết.

Dự báo khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách thì chắc chắn F0 sẽ tăng, GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc (cựu Phó khoa Y, cựu Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) đều cho rằng, ngay từ bây giờ Thành phố cần chuẩn bị, tăng cường hệ thống y tế để chăm sóc F0 tại cộng đồng, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời cho F0 khi có yêu cầu chăm sóc y tế để hạn chế tối đa chuyển nặng và tử vong.

Thay mặt cho lãnh đạo Thành phố, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cảm ơn những đóng góp quý báu của các chuyên gia. Những hiến kế trên "giá trị và đặc biệt quan trọng ở thời điểm này".  Bí thư Thành ủy cho biết, Thành phố tiếp thu đầy đủ góp ý, hiến kế của các nhà khoa học, chuyên gia. Thành phố sẽ tổng hợp lại, phục vụ cho việc kiến nghị, đề xuất một số vấn đề với Trung ương thời gian tới.

Theo Bí thư Thành ủy, tất cả chuyên gia nhận định không thể loại trừ dịch COVID-19 ra khỏi cộng đồng thời điểm này. Bên cạnh đó, điều kiện chuẩn bị để phòng chống dịch đến nay tương đối đảm bảo, như đã có thuốc, vaccine; người dân được tiếp cận y tế. Bên cạnh đó, người dân đã chấp hành, ủng hộ, đồng cam cộng khổ, "thắt lưng buộc bụng" cùng Thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn.

"Một điểm thống nhất là sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn và sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh tán đồng với quan điểm Thành phố phải từng bước mở cửa dần, đảm bảo an toàn, quản lý rủi ro, không chủ quan nhưng không thể không mở. Do đó, chính quyền Thành phố đang chuẩn bị chiến lược để chuyển sang giai đoạn mới là sống bình thường mới, sống trong môi trường có COVID-19.

"Điều quan trọng thời gian tới là phải cải thiện hệ thống y tế dự phòng. Hiện nay, Thành phố phải củng cố y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc... để góp phần trong công tác điều trị", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Để làm được điều này, Bí thư Thành uỷ TP cho rằng cả chính quyền và người dân cần chuẩn bị tâm thế, thói quen, chuẩn bị tinh thần và chuẩn bị những điều kiện khi cần thiết để ứng phó phù hợp. Hiện Thành phố đã chuẩn bị nhiều chiến lược ứng phó, trong đó trụ cột nhất là là chiến lược y tế.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng có chiến lược an sinh xã hội. Giãn cách kéo dài khiến nhiều người mất việc, chịu đựng lâu dài, phát sinh nhiều vấn đề. Nhiều nơi, người dân sống trong không gian chật chội, không đảm bảo giãn cách như yêu cầu của ngành y tế.

 “Chúng ta lạc quan với những gì làm được, nhưng cũng không chủ quan, mà cần có những bước đi cẩn thận, chặt chẽ, an toàn trong quá trình mở để đưa TP Hồ Chí Minh có bước khôi phục chắc chắn và phát triển vững chắc trở lại để hoàn thành sức mệnh đối với đất nước và Nhân dân”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh./..


V.Lê