Thượng tướng Võ Minh Lương phát biểu chỉ đạo tại
Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.
Đó là đề nghị của Thượng tướng Võ Minh Lương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ sau nhiều chuyến thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Xin Thượng tướng đánh giá chung về đóng góp của lực lượng Quân đội trong đợt dịch lần thứ 4, đặc biệt trong việc tham gia kiểm soát biên giới, người ra vào vùng dịch; triển khai các khu cách ly tập trung; vận chuyển vaccine phòng COVID-19, thành lập các bệnh viện dã chiến và chăm lo đời sống bà con khó khăn?
Thượng tướng Võ Minh Lương: Trong đợt dịch lần thứ 4 lần này, ngay từ đầu, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt nghiêm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; tập trung chỉ đạo các đơn vị toàn quân chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất theo phương châm “sớm hơn và cao hơn một bước”. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải xác định chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình; là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong tình hình hiện nay; bất luận trong hoàn cảnh nào, Quân đội cũng phải là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh; giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực do đại dịch gây ra.
Với tinh thần đó, từ trước khi thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã hình thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để kịp thời chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Phát huy kết quả từ các đợt dịch trước, Bộ Quốc phòng đã chủ động chỉ đạo lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, phối hợp chặt chẽ với các quân khu và các lực lượng có liên quan, duy trì trên 21 nghìn tổ, chốt biên giới đường bộ, đường biển, đường sông và nội địa, ngày đêm tiến hành tuần tra, kiểm soát tại các điểm cách ly, khu phong tỏa, khu điều trị và tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, góp phần ngăn chặn, không để tình trạng các ca mắc F0 từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta, không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các đơn vị cũng đã chủ động chuẩn bị, triển khai 190 khu cách ly tập trung, góp phần giảm gánh nặng và hỗ trợ các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh. Nhiều đơn vị đã dồn dịch, nhường doanh trại và tiến hành phục vụ ăn, ở tận tình, chu đáo nhất có thể cho 279.475 lượt người người dân tham gia cách ly, để lại ấn tượng sâu đậm về hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Khi số ca mắc F0 tăng cao, Bộ Quốc phòng đã kịp thời điều động hàng vạn y, bác sĩ, KTV, học viên của Học viện Quân y, Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga, Viện Y học dự phòng quân đội, Viện Y học hàng không và các bệnh viện Quân y (108, 354, 105, 110, 7,…) và hàng trăm tấn trang thiết bị y tế, thuốc men chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Thành lập 09 bệnh viện dã chiến và Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 với tổng quy mô trên 5 nghìn giường bệnh, góp phần hỗ trợ, giảm áp lực cho hệ thống y tế của địa phương. Đồng thời, kịp thời triển khai 8 kho bảo quản vắc xin tại 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; huy động hàng trăm lượt phương tiện vận chuyển, phân phối gần 7 triệu liều vắc xin, góp phần đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng Quốc gia phòng COVID-19, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.
Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã tích cực hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (gần 1 nghìn đơn vị máu) để kịp thời cứu chữa bệnh nhân; huy động 149.975 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tham gia giúp dân thu hoạch nông sản, điều trị người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin… (Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, BQP đã kịp thời huy động và ủng hộ 40 tấn lương khô, 10.000 thùng mỳ ăn liền, 50.000 quả trứng, 150 thùng cá hộp, 3000 hộp thịt, và nhiều trang thiết bị y tế có giá trị…). Chỉ đạo Lực lượng vũ trang đóng quân trên các địa bàn sử dụng 31.794 lượt phương tiện vận chuyển 75 nghìn tấn lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm và rau, củ quả cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh; phối hợp; hỗ trợ đưa hơn 02 triệu người lao động, học sinh, sinh viên về quê theo nguyện vọng. Các đơn vị và các doanh nghiệp quân đội đã hỗ trợ Quỹ vắc xin trên 1,2 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt là, các mô hình “Gian hàng không đồng”, “Phiên chợ nghĩa tình”, “Cây ATM gạo, khẩu trang”, “Hũ gạo tình thương”, “Tủ cơm, cháo miễn phí”, “Tủ đồ dùng thiện nguyện”…của Lực lượng vũ trang Quân khu 5, 7, 9 giúp giải quyết khó khăn của người dân; phản ánh sinh động bản chất, truyền thống quý báu của Quân đội ta. Một lần nữa chứng tỏ chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất; khẳng định Quân đội của dân, do dân, vì dân; Quân đội trong lòng dân.
Thượng tướng Võ Minh Lương thay mặt Quân uỷ Trung ương , BQP tặng 2 tấn lương khô, 2.000 thùng mỳ cho Bộ Tư lệnh quân khu 9 để trao cho người dân gặp khó khăn.
PV: Về công tác điều trị, xin Thượng tướng cho biết nhiệm vụ và hiệu quả bước đầu của các Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm và Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viên Quân y 175 để thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương?
Thượng tướng Võ Minh Lương: Sau khi thành lập, 07 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, cùng Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 tiến hành thu dung, điều trị các ca mắc F0, bước đầu giúp khắc phục tình trạng quá tải của hệ thống y tế địa phương tại các khu vực điểm nóng về dịch bệnh. Đến nay, các cơ sở y tế của Quân đội đã tiếp nhận, thu dung, điều trị trên 5 nghìn bệnh nhân, trong đó có trên 1 nghìn ca bệnh F0 đã được điều trị khỏi. Bệnh viện Quân y 175 trở thành bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Chỉ sau 3 tuần hoạt động, Bộ Quốc phòng đã quyết định tăng cường đầu tư trang thiết bị, nhân lực, nâng số giường điều trị ca mắc F0 từ 200 lên 350 để phục vụ cho chiến lược điều trị COVID-19 nặng và vừa theo mô hình tháp của Bộ Y tế. Tại Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngoài các trang thiết bị được đầu tư, lãnh đạo BQP đã trao tặng thêm 2 máy thở, 1 máy lọc máu hiện đại; huy động các doanh nghiệp ủng hộ gần 40 tỷ đồng để tiếp tục mua sắm trang thiết bị y tế và bảo đảm đời sống của lực lượng y bác sĩ và người bệnh (Trong đó, riêng Công ty DonaCoop do Ông Bùi Thanh Trúc làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ở Đồng Nai đóng góp 20 tỷ đồng)
Từ ngày 19/7/2021, Bệnh viện đã tiếp nhận, thu dung trên 365 bệnh nhân F0; tiến hành điều trị thành công cho trên 100 ca F0 đã ra viện hoặc chuyển về tuyến dưới. Hiện tại đang tập trung điều trị cho 211 bệnh nhân trên cơ sở tích cực áp dụng nhiều sáng kiến kết hợp truyền thống và hiện đại để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Sau một thời gian ngắn, Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Quân y 175 đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm tuyến đầu, mang lại niềm tin, hạnh phúc cho người bệnh và gia đình, lan tỏa những giá trị nhân văn cao cả của người thầy thuốc quân y với nhân dân và toàn xã hội.
Có thể khẳng định, việc Quân đội triển khai các bệnh viện dã chiến là chủ trương rất đúng đắn, sáng suốt, kịp thời, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho địa phương, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trước mắt và sẵn sàng ứng phó với các tình huống phức tạp hơn về dịch bệnh.
PV: Sau khi đi thị sát thực tế tại các tỉnh Nam sông Hậu, nghe các quân khu báo cáo, Thượng tướng đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương này và các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, Lâm Đồng... Trong thời gian còn lại thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các địa phương này nên triển khai những giải pháp nào để đảm bảo hình thành “vành đai Xanh an toàn” chống dịch?
Thượng tướng Võ Minh Lương: Thực tế kiểm tra tại các tỉnh phía Nam, chúng tôi thấy rằng, các địa phương đã quán triệt nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch. Một số địa phương đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý, xây dựng kế hoạch bảo vệ “vùng Xanh” (được hiểu như vùng An toàn khu trong các cuộc kháng chiến, vùng hậu phương vững chắc, sẵn sàng chi viện và hậu thuẫn cho tiền tuyến - là vùng vàng, vùng đỏ); triển khai chiến dịch xét nghiệm cộng đồng; thành lập Trung tâm thông tin tác chiến phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh; phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ các đối tượng; triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng tại tất các địa phương trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai mua trang thiết bị cho các Bệnh viện dã chiến; đẩy nhanh tiến độ tiêm vacxin phòng COVID-19; quan tâm hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và doanh nghiệp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa phương cơ bản ổn định. Điều đó chứng tỏ, công tác phòng, chống dịch bệnh của chúng ta đang đi đúng hướng, phù hợp với thực tế, tạo tiền đề quan trọng để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới.
Thượng tướng Võ Minh Lương đi kiểm tra Bệnh viện dã chiến Bình Thuỷ , TP. Cần Thơ.
Tuy nhiên, tại các địa phương phía Nam tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm phát hiện và số bệnh nhân có chuyển biến nặng và nguy kịch, cần được thu dung cấp cứu, điều trị tại các cơ sở tuyến cuối, bệnh viện hồi sức COVID-19 tăng cao. Để hình thành “vành đai Xanh an toàn” nhằm tạo ra vùng hậu cứ (sẵn sàng chi viện nguồn lực) cho tiền tuyến, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chống dịch; đề nghị các địa phương cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau: (1) Xây dựng quyết tâm cao triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sơ quán triệt Chỉ thị số 16/CT-TTg, Công điện số 1068/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và quy định của các cấp. Tăng cường hơn nữa, giám sát phát hiện sớm tại cộng đồng và quản lý giám sát cách ly; kiểm tra, chấp hành yêu cầu phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, khu công nghệ cao; có thể thực hiện giới nghiêm ở các khu vực nếu thấy cần thiết để tạo ra ngày càng nhiều “vùng Xanh”, hạn chế “vùng Đỏ”, “vùng Vàng”, từng bước xóa sạch F0, đưa địa phương trở về “trạng thái bình thường mới” (là trạng thái có thể triển khai các hoạt động kinh tế xã hội, duy trì cuộc sống của nhân dân nhưng vẫn luôn áp dụng các biện pháp có hiệu quả trong phòng, chống dịch của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là nêu cao ý thức đối với nhiệm vụ này của người dân). Thường xuyên cảnh giác phòng, ngừa dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, nhất là trong điều kiện có khả năng xuất hiện biến chủng mới (Lambda), có tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, có thể kháng các loại vắc xin hiện tại. (2) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh và bổ sung phương án ở mức cao nhất về điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các vật tư, trang thiết bị cần thiết khác cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là các cơ sở y tế điều trị tuyến cao, các Trung tâm hồi sức COVID-19; phối hợp chặt chẽ các tỉnh, thành phố với nhau để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu hơn của dịch bệnh. (3) Đẩy nhanh tiến độ tiêm vacxin ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và các vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Có phương án từng bước cho phép các doanh nghiệp có người lao động đã được tiêm vacxin tiếp tục sản xuất, giúp khôi phục chuỗi cung ứng và giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho những lao động đang thất nghiệp tạm thời.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, với tinh thần “Miền Nam vì cả nước, cả nước vì miền Nam thân yêu”, cán bộ, chiến sĩ Quân đội tham gia phòng, chống dịch đã nhận được rất nhiều tình cảm, sự quan tâm, động viên, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ to lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm, thiện nguyện và nhân dân cả nước với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng và hàng nghìn tấn trang thiết bị, nhu yếu phẩm. Thay mặt Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và cán bộ, chiến sĩ toàn quân xin trân trọng cảm ơn những tình cảm và sự giúp đỡ vô cùng quý báu đó.
Chúng tôi cũng trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương, trong nước và quốc tế đã luôn dõi theo, kịp thời thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phản ánh chân thực, sinh động các hoạt động của Tổ công tác và Quân đội trong cuộc chiến quyết liệt chống đại dịch lần này.
Mong rằng trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, cố gắng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, đồng sức, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!