Ngày 20/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh thống kê cho biết, trong ngày 19/07/2022, toàn TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 46.631 mũi tiêm, bao gồm 2.017 mũi 1 (4%); 5.220 mũi 2 (11%); 45 mũi bổ sung (0,1%); 10.494 mũi nhắc lần 1 (23%); 28.855 mũi nhắc lần 2 (62%) tại 204 điểm tiêm. Trong đó, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm được 33.828 mũi (73%); trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi: đã tiêm được 6.784 mũi (14%); trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi: đã tiêm được 6.019 mũi (13%). Tính đến hết ngày 19/07/2022, tổng số mũi vắc xin đã tiêm: 22.316.730 mũi (bao gồm 8.524.815 mũi 1; 7.595.239 mũi 2; 685.853 mũi bổ sung; 4.534.753 mũi nhắc lần 1; 976.070 mũi nhắc lần 2).

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp cùng với việc xuất hiện biến thể mới của Omicron, TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại cho người dân. Theo đó, trẻ từ 12-17 tuổi cũng được tổ chức tiêm nhắc lại lần 1 từ ngày 24/6/2022.

Theo đó, tính đến hết ngày 13/7/2022, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 81.993 mũi nhắc lại lần 1 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, an toàn và đảm bảo công tác phòng chống COVID-19. Các trường hợp phản ứng sau tiêm đều được phát hiện sớm, xử trí kịp thời, hiện sức khỏe ổn định.

Theo kế hoạch, trẻ đang theo học tại các cơ sở giáo dục sẽ được lập danh sách và tiêm chủng vắc-xin tại trường học. Đối với trẻ không đi học sẽ đăng ký tiêm chủng tại địa phương hoặc chủ động đến các điểm tiêm để được tiêm vắc-xin. Loại vắc-xin được sử dụng cho đợt tiêm này là loại vắc-xin của hãng Pfizer đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này với liều lượng là 0,3 ml tương tự liều cơ bản của người từ 12 tuổi trở lên.

Để góp phần đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, phụ huynh lưu ý cho trẻ ăn no trước khi đi tiêm, mặc áo ngắn tay. Bên cạnh việc theo dõi trẻ 30 phút sau khi tiêm tại điểm tiêm, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ trong 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm. Nếu có các dấu hiệu bất thường, thông báo ngay cho nhân viên y tế.

leftcenterrightdel

Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, hiệu quả bảo vệ của vắc xin COVID-19 sẽ tăng cao trở lại nếu tiêm liều nhắc lại (mũi 3 và mũi 4). Đây chính là khuyến cáo chính thức của CDC Hoa kỳ khi có ý kiến cho rằng sự xuất hiện của biến thể phụ mới gần đây (BA.5) sẽ làm giảm hiệu quả của vắc xin đã tiêm trước đó (mũi 1 và mũi 2).

CDC Hoa Kỳ khẳng định việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ ba và thứ tư sẽ cung cấp sự bảo vệ chống lại COVID-19 đáng kể cho những người trưởng thành có hệ thống miễn dịch bình thường. Các phát hiện mới nhất của công trình nghiên cứu này, cùng với dữ liệu được công bố gần đây cho thấy những người bị nhiễm biến thể BA.2 cũng có kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật với biến thể phụ mới BA.5, điều này cho thấy các loại vắc xin hiện có có thể bảo vệ cơ thể chống lại diễn tiến bệnh nặng hơn do các biến thể phụ BA đang lưu hành.

Theo CDC Hoa Kỳ, vắc xin phòng COVID-19 vẫn là công cụ bảo vệ cơ thể quan trọng nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nặng phải nhập viện, và giúp bảo vệ cơ thể không mắc bệnh COVID-19 rất nặng có nguy cơ tử vong. Với sự gia tăng trở lại gần đây về số ca tử vong và số ca nhập viện do biến thể phụ BA.5, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người cần phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 (nếu chưa tiêm) và tiêm liều bổ sung cho những người bị suy giảm miễn dịch từ trung bình đến nặng và tiêm liều nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) cho người trên 50 tuổi./..