leftcenterrightdel
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Thủ Đức.

(Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh)

*Ngày 20/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID -19 nặng và nguy kịch giữa các bệnh viện. Đơn vị này gồm 15 thành viên, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 làm tổ trưởng, với sự hỗ trợ của lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế và lãnh đạo phòng Nghiệp Vụ Y.

Một trong những nhiệm vụ chính của tổ công tác là kịp thời nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh của các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID -19. Ngoài ra, tổ công tác còn được giao nhiệm vụ kiểm tra chế độ thường trực, tính sẵn sàng tiếp nhận người bệnh COVID -19 nặng để kịp thời chấn chỉnh các cơ sở chưa thực hiện tốt. Những cá nhân và tập thể có cách làm hiệu quả, thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu cũng được tổ công tác ghi nhận.

Theo Sở Y tế, toàn TP hiện nay có tổng cộng 38 bệnh viện thuộc 4 tầng điều trị khác nhau. Hầu hết bệnh viện đã sử dụng gần hết công suất. Do đó, việc có thêm một tổ công tác làm cầu nối và hỗ trợ việc chuyển F0 giữa các bệnh viện được thuận lợi là nhu cầu rất cấp thiết.

*TP thực hiện xin ý kiến chỉ đạo của Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 về xét nghiệm kiểm tra đối với F0 và F1. Cụ thể, đề xuất xét nghiệm RT-PCR cho F0 không triệu chứng vào ngày thứ 8: nếu kết quả âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 thì cho xuất viện vào ngày thứ 10, nếu kết quả dương tính với giá trị CT < 30 thì thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10 - kết quả âm tính được xuất viện, kết quả dương tính thì thực hiện thêm và xử trí theo kết quả xét nghiệm RT-PCR. Đối với F1 cách ly tập trung đủ 7 ngày có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc RT-PCR dương tính với giá trị CT ≥ 30 thì xem xét chuyển cách ly tại nhà và xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14. Đối với F1 cách ly tại nhà thì thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 7 và 14.

*Về công tác tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19, TP đề xuất thực hiện đơn giản hóa một số nội dung trong quy trình tổ chức để giảm nguồn lực, đảm bảo giãn cách tại điểm tiêm. Theo đó, trường hợp người được tiêm thuộc nhóm trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền phải được khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm đầy đủ theo quy định hiện hành. Đối với các trường hợp khác (người trẻ tuổi, người khỏe mạnh, không có tiền căn bệnh lý, ...) chỉ đo nhiệt độ, đo huyết áp, hỏi tiền căn dị ứng hoặc phản vệ với các loại dị ứng nguyên khi khám sàng lọc và thực hiện theo dõi sau tiêm trong 15 phút.

Để có thể ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch bệnh, sớm đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kêu gọi toàn thể đồng bào, các tầng lớp Nhân dân tiếp tục ủng hộ, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ cùng TP, quyết tâm thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội, quy định trong khu vực cách ly, phong tỏa, nâng cao ý thức bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng; chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt và một số bất tiện, khó khăn hơn so với điều kiện bình thường; đồng thời phát huy cao nhất tinh thần nghĩa tình, nghĩa cử cao đẹp, tương thân tương ái, san sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn./.

CM