Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân tại thành phố Thủ Đức khu vực II.
Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh.

Sau lời kêu gọi chung tay tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19, đến ngày 06/8, số lượng đăng ký tham gia đã hơn 7.000 người, bao gồm cán bộ y tế cả tư nhân và công lập (khoảng 800 người), cán bộ y tế đã về hưu, lực lượng sinh viên và các ngành nghề khác. Sở Y tế đã sắp xếp và phân bổ lực lượng này đến các cơ sở y tế có nhu cầu. TP Hồ Chí Minh vẫn rất cần sự tham gia đông đảo hơn nữa của lực lượng tình nguyện, nhất là những người có chuyên môn về ngành y như bác sĩ và điều dưỡng.

Để đảm bảo cấp cứu kịp thời cho người dân, TP Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả đơn vị y tế luôn mở cổng bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7, đặc biệt vào ban đêm, khẩn trương đánh giá tình trạng người bệnh, sơ cấp cứu ban đầu. Tuỳ tình trạng người bệnh mà quyết định việc tiếp tục điều trị người bệnh tại đơn vị hay cần chuyển tuyến điều trị. Không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm test nhanh hoặc PCR dương tính với SARS-CoV-2 mới tiếp nhận.

TP Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn các đơn vị xử lý trường hợp người nhiễm bệnh COVID-19 tử vong theo đúng quy trình, đảm bảo lưu giữ tro cốt cùng với thông tin người mất để đợi người nhà đến nhận. Đối với việc người nghèo mắc COVID-19 tử vong, ngân sách TP Hồ Chí Minh hỗ trợ toàn bộ chi phí từ giai đoạn đưa thi thể người bệnh từ bệnh viện đến nơi hỏa táng và đảm bảo hết toàn bộ chi phí cho người này.

Thời gian quan, bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế thì các mô hình tự quản, xây dựng vùng xanh của người dân đã được phát huy và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Để tiếp tục cùng Thành phố mở rộng thêm nhiều vùng xanh, mỗi người dân hãy tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Chỉ thị 16 và các biện pháp tăng cường, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, tăng cường giãn cách giữa người với người, giữa nhà với nhà và tham gia tiêm chủng vắc-xin khi tới lượt./.

PV