Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh miền Tây đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Những ngày qua, hàng loạt tỉnh miền Tây như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang... đã báo cáo phát hiện hàng trăm ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày. Trước tình này, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các tỉnh cả về nhân lực, kinh nghiệm, trang thiết bị y tế.
Đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương lên đường chi viện cho tỉnh Bạc Liêu, sáng 2/11.
(Ảnh: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh)
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Thành uỷ và UBND TP Hồ Chí Minh, hầu hết các bệnh viện lớn của TP Hồ Chí Minh, bệnh viện tuyến cuối được Bộ Y tế phân công thực hiện các công tác hỗ trợ phòng chống dịch. Hiện nay, có 3 tỉnh là Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang đang có số ca mắc COVID-19 tăng, TP Hồ Chí Minh đã cử 3 đội luân phiên xuống trực tiếp điều trị, hỗ trợ cho các tỉnh này. Trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện Trưng Vương hỗ trợ tỉnh An Giang, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ Bạc Liêu.
Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp ở các tỉnh có bệnh nặng nhiều và không đủ nhân lực y tế, phương tiện trang thiết bị, nhiều bệnh viện tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên hội chẩn, tập huấn trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm điều trị, thu dung, cách ly F0 tại nhà… với Sở Y tế các tỉnh. Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ mà ngành Y tế TP Hồ Chí Minh hi vọng sẽ giúp giảm đi tỉ lệ bệnh nặng quá sức điều trị phải chuyển về TP Hồ Chí Minh. Nếu các ca bệnh nặng phải chuyển về TP Hồ Chí Minh thì khó đảm bảo an toàn nếu phải di chuyển đường dài.
Ngoài hỗ trợ chuyên môn và nhân lực, thành phố cũng đang hỗ trợ các mẫu test nhanh kháng nguyên và vắc xin COVID-19 cho các tỉnh thành. TS Vĩnh Châu cho biết, tỉnh Sóc Trăng đang đề nghị TP Hồ Chí Minh hỗ trợ vắc xin COVID-19 và nhân lực tiêm vắc xin cho người dân. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã giao cho Hội điều dưỡng Thành phố phối hợp với một số bệnh viện, tổ chức các đội tiêm, sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh có nhu cầu khi triển khai tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên.
Tại điểm nóng Bạc Liêu, nhiều ngày qua, tỉnh được nhiều bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh chi viện y, bác sĩ và hỗ trợ trang thiết bị y tế, vaccine giúp địa phương nâng cao hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy do BS CK1 Huỳnh Quang Đại (Khoa Hồi sức cấp cứu) làm trưởng đoàn đã có mặt tại Bạc Liêu từ ngày 27/10. Đoàn đã tiến hành khảo sát thực địa tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh, bao gồm TP Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Đông Hải…
Tổ chuyên môn Bệnh viện Chợ Rẫy tìm hiểu về trang thiết bị, vật tư y tế của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của tỉnh đặt tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bạc Liêu. (Ảnh: N.Q)
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cũng đã trực tiếp đến làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy cấp tốc hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu 18.000 liều vắc xin Pfizer và 35.000 liều vắc xin AstraZeneca (trong đó có 5.000 liều do Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ). Đồng thời, xuất kho dự trữ của Bộ Y tế để hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư y tế cho tỉnh Bạc Liêu nhằm đáp ứng nhanh nhất có thể cho công tác phòng chống dịch tại địa phương. Trong đó, 2 máy xét nghiệm PCR cùng các chuyên gia của bệnh viện đã tăng cường ngày 2/11.
Trước diễn tiến dịch hiện tại, các chuyên gia Hồi sức cấp cứu, Kiểm soát nhiễm khuẩn… của Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn tiếp tục ở lại Bạc Liêu, hỗ trợ khảo sát, lắp đặt hệ thống oxy lỏng; thiết lập các tầng điều trị và tạo mối liên hệ giữa các tầng điều trị; xây dựng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn; nâng cao năng lực xét nghiệm; chuẩn bị nguồn máu phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đoàn công tác của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương do BS Võ Đức Chiến, Giám đốc bệnh viện, làm trưởng đoàn, cũng đã về Bạc Liêu hỗ trợ tỉnh phòng chống dịch. Đoàn đã trực tiếp tham gia công tác thu dung, điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai. Ngoài các loại thuốc không thể thiếu cho điều trị bệnh nhân COVID-19, đoàn còn mang theo 14 loại trang thiết bị y tế cần thiết cho điều trị và chăm sóc bệnh nhân nặng.
Tại tỉnh An Giang, BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương cho biết: “Đoàn của bệnh viện đã bắt đầu hỗ trợ cho địa phương chống dịch từ ngày 19/10 khi số ca bệnh tăng nhanh. Với những kinh nghiệm sau nhiều tháng trong tâm dịch ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi hỗ trợ các đồng nghiệp điều trị cho các ca bệnh nặng, hạn chế tử vong. Sau 3 tuần phối hợp các biện pháp phòng chống, đến nay dịch tại khu vực Tân Châu, An Giang đang từng bước được kiểm soát”.
Ngoài ra, tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã đến hỗ trợ tỉnh điều phối, phân luồng, điều trị bệnh nhân COVID-19. Các y, bác sĩ trong đoàn cũng đã tổ chức tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với các huyện, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh./.