Người dân TP Hồ Chí Minh tranh thủ mua hàng vì lo sợ khan hiếm. (Ảnh: Zingnew)

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Thủ Đức diễn ra ngày càng phức tạp, tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã xuất hiện các ca dương tính với COVID-19, UBND TP Thủ Đức đề nghị chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp tại chợ; thời gian từ ngày 7/7 cho đến khi có đủ điều kiện về đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, yêu cầu thương nhân thực hiện việc vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ chậm nhất vào lúc 20 giờ ngày 7/7.

Trong thời gian tạm dừng hoạt động, chợ sẽ tiến hành khử trùng toàn bộ khu vực, đồng thời phối hợp với Sở Công Thương, UBND TP Thủ Đức xây dựng phương án phòng chống dịch trong trường hợp có nhiều tình huống xử lý khác nhau, áp dụng khi chợ hoạt động trở lại.

Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có 125/234 chợ truyền thống tạm ngưng do có liên quan ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn như Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn. Để điều tiết hàng hóa thông suốt, Sở Công Thương COVID-19 đã gửi văn bản đến 22 Sở Công Thương các tỉnh, thành đề nghị thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại các chợ đầu mối, hướng dẫn họ tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.

Theo đó, trước mắt, các hệ thống bán lẻ của Satra, Bách Hóa Xanh… sẽ đảm nhận việc tiêu thụ hàng tồn của tiểu thương chợ đầu mối, đồng thời tăng cường nguồn thiết yếu. Ngoài ra, TP cũng cho hoạt động lại một số chợ dân sinh, siêu thị và mở lại các quầy hàng thiết yếu đảm bảo nguyên tắc phòng dịch.

Khi chợ đầu mối và nhiều chợ truyền thống đóng cửa, trong ngày hôm nay, nhiều người dân  TP đổ xô đi mua sắm do lo sợ hết hàng. Thậm chí, nhiều siêu thị, người dân xếp hàng dài để mua sắm, lượng người mua hàng đông hơn cả những dịp cận Tết.

Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, từ trưa 6/7 đến sáng 7/7, lượng khách dồn tới các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food và số lượng đơn hàng online của các siêu thị tăng gấp gấp 5 lần. Đồng thời thông báo, hàng hóa rất nhiều, không thiếu và siêu thị hoạt động xuyên suốt nên người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông sẽ đẩy nguy cơ bệnh dịch lên cao và có thể gây tắc nghẽn các kênh mua sắm.

Đưa ra ý kiến về tình trạng trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, dù có áp dụng chỉ thị nào, quy định ra sao thì TP sẽ luôn ưu tiên việc cung cấp hàng hóa, thực phẩm. Việc chợ đầu mối đóng cửa thì không có nghĩa khan hàng hoá. Ngược lại, các chợ truyền thông và các siêu thị khác vẫn hoạt động bình thường đồng thời tăng công suất phục vụ cho nhu cầu của người dân. TP sẽ điều phối để các khu vực đều đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Trước tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ngày càng tăng cao, TP khuyến khích các đơn vị chuyển sang các hình thức mua bán như qua điện thoại, trực tuyến, bán hàng theo đơn đặt hàng… và các hình thức phù hợp khác nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp./.

PV