Chiều 16/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Tại buổi họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, về quản lý hoạt động shipper, Công an Thành phố không cấp giấy đi đường mà Sở Công thương Thành phố gửi danh sách shipper được hoạt động cho Công an Thành phố và cập nhật trên phần mềm để lực lượng công an kiểm soát. Việc quản lý thông qua nhận diện bằng thẻ, băng đeo tay, trang phục, đơn hàng; shipper phải khai báo y tế trên VNEID; shipper phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 2 ngày theo quy định của UBND TP Hồ Chí Minh.
Shipper được giao hàng liên quận huyện phải có kết quả xét nghiệm âm tính theo mẫu gộp 2 ngày/lần; nhân viên giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp được phép hoạt động trong một quận huyện và TP Thủ Đức và có kết quả âm tính 2 ngày/lần.
Về việc cấp bổ sung giấy đi đường (trừ shipper), thượng tá Hà cho biết Giám đốc Công an Thành phố đã giao Phòng Tham mưu thực hiện. Việc cấp, đổi giấy đi đường phải đảm bảo nguyên tắc số lượng tối thiểu cần thiết. Các quận huyện, đơn vị sẽ nộp danh sách bổ sung để Công an Thành phố cấp bổ sung. Qua tổng họp kết quả, nhìn chung, hiện 2/3 quận huyện, phường xã vẫn còn giấy đi đường chưa sử dụng, tuy nhiên Công an Thành phố sẽ cấp phát bổ sung để các đơn vị chủ động cấp phát.
Tại cuộc họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng cho biết, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh vừa ban hành thông báo số 3660 để triển khai, thực hiện công văn 3072 của UBND TP Hồ Chí Minh. Trong đó có các quy định về giờ giấc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giảng viên, giáo viên... và nhóm này không cần giấy đi đường.
Theo đó, đối với nhân viên các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không đang làm việc “3 tại chỗ” tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất được phép di chuyển thay ca làm việc, thời gian lưu thông từ 12 giờ đến 14 giờ hàng ngày; kiểm tra khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Đối với cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành tài chính ngân hàng, chứng khoán sẽ được lưu thông đổi ca làm việc hàng tuần, thời gian di chuyển từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ ngày thứ Sáu và 6 giờ 30phút đến 8 giờ ngày thứ Hai.
Đối với nhân viên doanh nghiệp xăng dầu, gas được lưu thông đổi ca làm việc từ 13 giờ đến 15 giờ ngày Chủ nhật hàng tuần.
Người lao động thuộc các doanh nghiệp nhà nước (điện lực, bưu điện, viễn thông…) được lưu thông đổi ca làm việc, thời gian từ 15 giờ đến 17 giờ thứ Bảy và 6 giờ đến 7 giờ 30 phút thứ Hai hàng tuần.
Đặc biệt, khi lưu thông trên đường tất cả các nhóm trên phải mặc đồng phục nhận diện của ngành, doanh nghiệp, đeo thẻ nhân viên, có lịch đổi ca của đơn vị và khai báo y tế qua phần mềm của Bộ Công an.
Đối với công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: Phải nghỉ việc về nhà khi nhà máy ngưng hoạt động; người lao động đến nhà máy đổi ca làm việc (thời gian đổi ca không dưới 7 ngày/1 lần) hoặc người lao động đến làm việc tại công ty, nhà máy mở cửa hoạt động được phép lưu thông trong thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ hoặc từ 14 giờ đến 16 giờ.
Trong đó, công nhân lưu thông từ nhà máy, công ty đến nơi cư trú; nhân viên công ty, doanh nghiệp được Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao xác nhận và ghi rõ thời gian lưu thông như trên; có xét nghiệm âm tính trong thời gian 5 ngày; có khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Đối với nhân viên bưu cục, giáo viên vận chuyển sách đến nhà cho học sinh phải mặc đồng phục ngành, đeo thẻ ngành; có sách hoặc lịch, danh sách địa điểm giao sách; khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Đối với giảng viên, giáo viên lưu thông đến trường hoặc điểm dạy học trực tuyến được lưu thông phù hợp với lịch dạy học, mang thẻ ngành; có lịch giảng dạy được ban giám hiệu nhà trường ký duyệt; thực hiện khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Những người đi tiêm vắc xin, người đi làm CCCD, người có vé máy bay di chuyển ra sân bay (kèm 1 người chở và 1 phương tiện, người chở chụp lại vé máy bay, giấy tờ liên quan để di chuyển từ sân bay về lại nhà), người đi xét nghiệm COVID-19 cũng không cần kiểm tra giấy đi đường. Tuy nhiên, tất cả phải được kiểm tra khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Công an TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo tổ trưởng tổ công tác tại các chốt, trạm kiểm soát căn cứ tình hình thực tế để tổ chức kiểm soát, kiểm tra phương tiện không để ùn tắc, dồn ứ tại các chốt, trạm kiểm soát.
Các giấy đi đường đã cấp có ghi thời hạn đến ngày 6/9 hoặc ngày 15/9 được kéo dài thời hạn hiệu lực của giấy đi đường theo quy định giãn cách của UBND TP Hồ Chí Minh.
Khi qua lại chốt, công dân phải xuất trình mã QR cá nhân sau khi thực hiện kê khai y tế tại ứng dụng VNEID hoặc địa chỉ web https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn và xuất trình giấy đi đường do Công an TP Hồ Chí Minh cấp, CMND/CCCD hoặc thẻ công chức, viên chức, thẻ ngành./..