Ngày 13/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề dư luận quan tâm. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì tại điểm cầu Thành ủy. Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì tại Trung tâm Báo chí Thành phố.
|
|
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu tại cuộc họp (ảnh: TTBCTP) |
Phát biểu tại buổi họp, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ công tác phòng, chống dịch của Thành phố có sự tập trung rất lớn, thực hiện Chỉ thị 16 một cách triệt để, đồng bộ và hiệu quả. Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi đơn vị đã có sự chuyển biến, có nhiều mô hình tự quản rất hiệu quả. Điều này cho thấy ý thức người dân trong bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng đã được nâng cao. Trong thời gian tới, điều đó cần phải được duy trì và nâng cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, thay mặt lãnh đạo Thành phố, đồng chí Phó Bí thư Thành ủy đã bày tỏ sự trân trọng với lực lượng tuyến đầu vì sự lăn xả, hy sinh trong suốt 2 tháng qua. Thành phố sẽ có chính sách thỏa đáng để ghi nhận.
Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm soát dịch bệnh. "Đến chủ nhật, Thành phố sẽ công bố kế hoạch chính thức theo hướng Thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ thị 16", đồng chí Phan Văn Mãi nói.
Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho rằng, dù đã có những kết quả nhưng dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tuy có giảm nhưng còn cao, số người tử vong còn rất lớn…dịch bệnh sẽ còn kéo dài nên người dân cần chuẩn bị tâm lý.
"Chúng ta phải nhìn nhận tình hình đang diễn biến phức tạp, không phải để bi quan hay hoang mang mà để thấy chuyện này sẽ còn kéo dài. Chúng ta phải chịu khó, có tinh thần, tâm lý 'trường kỳ kháng chiến', trước mắt là đến 15/9, thậm chí chuẩn bị tâm lý dài hơn ở những cấp độ khác nhau", Phó Bí thư cho hay.
Theo Phó bí thư Phan Văn Mãi, trọng tâm chống dịch 30 ngày tới của TP Hồ Chí Minh là điều trị để giảm tử vong với 2 trụ cột.
Thứ nhất là việc chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng (home-based care) với 5 yêu cầu: Nắm chặt danh sách F0 tại xã, phường, thị trấn, ai ở nhà, ai ở khu thu dung; mỗi F0 phải có bác sĩ, tư vấn viên, cán bộ y tế thăm hỏi sức khỏe tại nhà; mỗi F0 có một suất thuốc do Bộ Y tế chỉ định và triển khai; y tế cơ sở phản ứng nhanh trong trường hợp F0 có triệu chứng; hệ thống hóa lại toàn bộ ứng dụng công nghệ và kết nối với các tầng điều trị.
Thời gian qua ngành y tế đã triển khai chăm sóc F0 tại nhà, nhưng sắp tới Thành phố sẽ thực hiện đồng bộ và mạch lạc hơn.
Trụ cột thứ 2 là điều trị từ tầng 2 đến tầng 5, trong đó, mấu chốt là oxy. Thành phố sẽ rà soát lại nhu cầu oxy để người dân được sơ cấp cứu sớm, khi có triệu chứng thì được tiếp cận oxy, thuốc. Bộ Y tế quyết định và triển khai đồng bộ việc chỉ định dùng thuốc. Hệ thống bệnh viện dã chiến quận, huyện, trung tâm hồi sức phối hợp tổ chức lại nguồn lực để thực hiện trụ cột điều trị tại viện.
Để chuẩn bị cho giãn cách xã hội kéo dài, vấn đề an sinh xã hội không chỉ là lương thực thực phẩm mà phải làm cho mọi người an tâm. Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP Hồ Chí Minh sẽ có đánh giá và có giải pháp cụ thể. Thành phố sẵn sàng cho gói an sinh xã hội lần 3 và lần 4. Đồng thời, lãnh đạo Thành phố cũng cam kết đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân và quản lý giá cả.
Về kế hoạch sản xuất, duy trì hoạt động doanh nghiệp, từng bước mở cửa, trước mắt, Thành phố đảm bảo sản xuất mặt hàng thiết yếu để cung cấp cho sinh hoạt. Thành phố tính toán nếu diễn biến tốt hơn thì phải mở cửa nền kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch.
|
|
Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu tại cuộc họp (ảnh: TTBCTP) |
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Dương Anh Đức cho biết, trung bình trong 7 ngày (từ 5/8 đến nay), Thành phố ghi nhận 3.687 ca mắc/ngày. Trong đó 78,6% trong khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% sàng lọc tại bệnh viện. TP Hồ Chí Minh đã điều trị khỏi hơn 68.900 trường hợp, hiện đang điều trị hơn 32.000 trường hợp. Trong đó có 1.558 bệnh nhân nặng và 16 bệnh nhân nguy kịch đang chạy ECMO.
Hiện tại TP Hồ Chí Minh cũng có 10.420 F0 không triệu chứng đang điều trị tại nhà, 12.200 F0 đã điều trị trên 7 ngày và tải lượng virus trên 30 (CT>30), theo quy định có thể về cách ly theo dõi tại nhà. Hiện tỷ lệ tử vong ở Thành phố đang ở mức cao với trung bình 241 ca/ngày trong những ngày gần đây.
Theo đồng chí Dương Anh Đức, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố còn khá phức tạp dù xu hướng có giảm song chưa bền vững, số ca mắc mới vẫn còn ở mức khá cao. Nếu chúng ta không thực hiện triệt để, quyết liệt các biện pháp, không có sự đồng lòng, quyết tâm cao độ trong việc chống dịch thì rất khó giữ vững những thành quả đã đạt được, thậm chí tình hình còn xấu đi.
Đồng chí Dương Anh Đức cho rằng, thời gian tới các địa phương cần giữ vững vùng xanh, chuyển hóa các vùng vàng, vùng đỏ thành vùng an toàn.
Công tác xét nghiệm cũng rất quan trọng, cần thực hiện theo chiến lược có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo khoa học, sớm bóc tách F0 giảm nguồn lây, kết hợp với cách ly gia đình với gia đình, người với người.
Liên quan vắc xin, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, đến nay, hầu như toàn bộ nguồn vắc xin Bộ Y tế cấp cho TP Hồ Chí Minh đã được tiêm hết. Bắt đầu từ ngày 13/8, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận các nguồn vắc xin khác, tiếp tục đề nghị Bộ Y tế bổ sung vắc xin của Bộ Y tế, khai thác thêm 1 triệu liều Sinopharm để tiếp tục kế hoạch tiêm. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh chủ trương tận dụng tất cả nguồn lực, cơ hội để mang vắc xin đảm bảo chất lượng về cho người dân./..