|
|
Quang cảnh buổi làm việc (ảnh: Việt Dũng) |
Dự buổi làm việc, phía TP Hồ Chí Minh có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.
Phía tỉnh Bình Dương có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Buổi làm việc nhằm trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác phối hợp, hỗ trợ, nhất là trong quy hoạch mang tính chiến lược, đột phá về “phát triển kinh tế vùng”, các dự án kết nối hạ tầng giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, cùng việc quản lý, sử dụng đất tại tỉnh Bình Dương của một số cơ quan, đơn vị thuộc TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có sự phối hợp, tạo điều kiện để tỉnh Bình Dương phát triển. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, lãnh đạo hai địa phương đã phối hợp chỉ đạo điều hành rất chặt chẽ, nhất là việc Thành phố đã hỗ trợ vắc xin kịp thời cho Bình Dương...
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi đã cảm ơn tình cảm, trách nhiệm của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua.
|
|
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương phát biểu tại buổi làm việc |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cũng cho biết trong thời gian tới yêu cầu kết nối để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì kết nối hạ tầng rất quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng, hạ tầng cảng biển sẽ mang tính quyết định cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương. Bình Dương mong muốn được sự hỗ trợ, giúp đỡ của TP Hồ Chí Minh trong việc kết nối hạ tầng, triển khai thực hiện các dự án giao thông quan trọng có tính chất kết nối liên vùng.
Tại buổi làm việc, các bên đã thảo luận và thống nhất chủ trương nhiều dự án quan trọng, trong đó, có 11 nội dung về hạ tầng giao thông, 4 nội dung về đất đai.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh thống nhất chủ trương nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1 và giao các đơn vị liên quan nghiên cứu lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng từ nguồn ngân sách TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.
TP Hồ Chí Minh cũng thống nhất kiến nghị của tỉnh Bình Dương về xử lý lệch tuyến đường Vành đai 4 tại vị trí bắc qua sông Sài Gòn (cầu Phú Thuận).
Về việc kết nối với Quốc lộ 1A, UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất nội dung kiến nghị tỉnh Bình Dương thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng của 3 dự án trên địa bàn tỉnh Bình Dương và thực hiện triển khai xây dựng ra Quốc lộ 1A.
|
|
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc |
Bên cạnh đó, một số dự án giao thông cũng được trao đổi tại buổi làm việc như: dự án nút giao thông Sóng Thần, kết nối đường An Bình - Đào Trinh Nhất đến đường Phạm Văn Đồng; quốc lộ 13; dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Chơn Thành; dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao thông Tân Vạn); các nút giao thông giữa TP Hồ Chí Minh - Bình Dương; kết nối đường ven sông Sài Gòn; đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất nghiên cứu kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên về phía tỉnh Bình Dương và Đồng Nai…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự thống nhất với các nội dung hai địa phương đã trao đổi. Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, hai địa phương có cùng sứ mệnh xây dựng và phát triển. TP Hồ Chí Minh và Bình Dương hôm nay cần nối tiếp sự nghiệp các thế hệ trước để lại. Lãnh đạo TP Hồ CHí Minh và Bình Dương qua các thời kỳ đã phối hợp chia sẻ, gắn bó, tạo điều kiện thuận lợi để hai địa phương và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, quan điểm xuyên suốt, nhất quán là phải có sự phối hợp chặt chẽ. Cần xác lập cơ chế phối hợp trong vùng, do đó đề nghị thành lập tổ công tác chung giữa các tỉnh, thành; đề nghị hai địa phương nghiên cứu phát triển du lịch đường sông, phát huy lợi thế sông Sài Gòn và tăng tính kết nối của hai địa phương.