Trong thời gian gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em luôn được các cơ quan, ban, ngành TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, số vụ phạm tội xâm hại trẻ em có xu hướng giảm cả về số vụ lẫn tính chất vụ việc.
Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh: Từ năm 2021 đến Quý I năm 2022, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 135 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, nhìn chung tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn Thành phố có xu hướng giảm cả về số vụ lẫn mức độ nguy hiểm ( năm 2021: xảy ra 114 vụ, giảm 54 vụ so với năm 2020, tương ứng 33,33%; Quý I năm 2022: xảy ra 21 vụ, giảm 01 vụ, tương ứng 4,71% ), trong đó có 80 vụ liên quan hành vi xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 59,25% số vụ (hiếp dâm người dưới 16 tuổi: 17 vụ, giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi: 44 vụ, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi: 19 vụ).
Độ tuổi nạn nhân là trẻ em bị xâm hại nhỏ, trong đó phần lớn là trẻ em gái (chiếm hơn 85% nạn nhân bị xâm hại), đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đa phần là người thân, quen với gia đình nạn nhân hoặc có mối quan hệ tình cảm nam nữ với nạn nhân (chiếm hơn 70%), độ tuổi của đối tượng tập trung vào nhóm từ 18 tuổi trở lên (chiếm 86,29%), tuy nhiên cũng phát sinh nhiều vụ do người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (chiếm 11,95%), người dưới 16 tuổi (chiếm 1,76%) thực hiện.
Trong Quý I năm 2022, Công an Thành phố ghi nhận 03 vụ hành hạ người khác, trong đó có vụ cháu Nguyễn Thái Vân An (sinh năm 2013) bị dì ghẻ là Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành dẫn đến tử vong, xảy ra ngày 22/12/2021 tại căn hộ 16.05 Topaz 2 Saigon Pearl, số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Bình Thạnh gây bức xúc dư luận. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã Kết luận điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội giết người và hành hạ người khác; Nguyễn Kim Trung Thái (cha ruột cháu An) về tội hành hạ người khác và che giấu tội phạm.
Công an Thành phố đã khởi tố 88 vụ liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em trong tổng số 135 vụ việc liên quan đến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, bắt 91 đối tượng; xử lý hành chính 35 vụ, 38 đối tượng; không khởi tố; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra 04 vụ, 04 đối tượng; đang điều tra, xác minh xác minh 08 vụ, 09 đối tượng; trong đó:Năm 2021 đã tiếp nhận 114 vụ xâm hại trẻ em, 113 đối tượng, 115 trẻ em. Đã khởi tố xử lý hình sự 67 vụ, 69 đối tượng; xử lý hành chính 35 vụ, 38 đối tượng, xử lý khác 12 vụ, 06 đối tượng (đang điều tra, không khởi tố, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra). Quý I năm 2022: Tiếp nhận 21 vụ xâm hại trẻ em, 22 đối tượng, 24 trẻ em. Đã khởi tố xử lý hình sự 21 vụ, 22 đối tượng...
Các vụ xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở khu vực vắng vẻ thuộc huyện ngoại thành hay khách sạn, nhà trọ, nơi lưu trú của người dân lao động phổ thông, mà gần đây còn xảy ra ở các khu vực công cộng thuộc các chung cư, trường học. Mặt khác, các vụ xâm hại tình dục trẻ em đa phần do bị hại và đối tượng có mối quan hệ tình cảm nam nữ, yêu đương từ trước, thậm chí có bị hại bỏ nhà đi để sống chung với đối tượng, sau khi gia đình phát hiện mới trình báo cơ quan Công an; nhiều vụ xâm hại trẻ em, đối tượng xâm hại là những người thân, quen sống chung trong gia đình, khi có sự việc xảy ra đã không trình báo, thậm chí còn che giấu, khai báo không đúng, gây khó khăn cho công tác điều tra; tội phạm mua bán trẻ em tuy tính nguy hiểm cao nhưng vụ việc xảy ra tại TP Hồ Chí Minh (03 vụ) cũng chỉ là “cho nhận con nuôi”, đáp ứng nhu cầu có con để nuôi của một số gia đình hiếm muộn...
Trước tình hình trên, Công an TP Hồ Chí Minh kiến nghị Sở Giáo dục - Đào tạo cần nghiên cứu tham mưu bổ sung quy định việc bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục là các trường mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học (kể cả các trung tâm, các cơ sở bảo trợ xã hội có nuôi dạy trẻ thuộc Sở Lao động – Thương binh và xã hội) trên địa bàn Thành phố; để góp phần răn đe các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tăng cường sự giám sát của gia đình, xã hội với công tác chăm sóc trẻ em, cũng như là nguồn chứng cứ để cơ quan Công an điều tra, xử lý khi có vụ việc xâm hại xảy ra.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an, UBND TP Hồ Chí Minh có kế hoạch đào tạo, tập huấn các kỹ năng cơ bản cho cán bộ thực thi quyền trẻ em ở cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn) để khi có vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra thì biết cần làm những việc gì, bảo vệ hiện trường ra sao, là vụ việc dân sự, hành chính hay có dấu hiệu của tội phạm hình sự và cần liên hệ đến cơ quan nào.
Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh công tác truyền thông về giới, đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, cập nhật các phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội, giáo dục pháp luật về hình sự, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực, bình đẳng giới, Luật Trẻ em,….để thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân về quyền trẻ em, làm cho người dân hiểu rõ quy định nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là các tội xâm hại tình dục trẻ em; Sở Thông tin truyền thông và các đơn vị hữu quan của Thành phố tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý các trang mạng xã hội, các website, các ứng dụng có nội dung tuyên truyền, kích động, cổ súy cho bạo lực, dâm ô, đồi trụy; Thông qua không gian mạng, các sở ban ngành cần thu thập, phân tích dữ liệu phục vụ điều tra xã hội, phòng ngừa chung, cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Cơ quan điều tra để xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đồng thời cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bình đẳng giới, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; Trong công tác tuyên truyền cần đổi mới các cách thức tuyên truyền để dễ tiếp cận người dân hơn; tuyên truyền tập trung vào nhóm đối tượng là gia đình và bản thân các em để tạo hiệu quả cao hơn; đổi mới nội dung tuyên truyền tập trung vào cách phòng ngừa, nhận biết và xử lý khi có sự việc xâm hại xảy ra để các em và gia đình chủ động phòng ngừa, cũng như cách xử lý đúng khi xảy ra sự việc, tạo điều kiện cho việc thu thập chứng cứ, tài liệu phục vụ công tác điều tra./.